Cụ thể, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu để UBND quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao.

Các hình thức truyền thông cần đa dạng như nói chuyện chuyên đề; diễn kịch; treo pano, khẩu hiệu; trên mạng xã hội, tuyên truyền trên loa truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; huy động cộng tác viên thăm hộ gia đình, truyền thông trực tiếp cho người bệnh. Tổ chức vận động ủng hộ bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn.

Hà Nội: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 21/2/2019, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia đã có hướng dẫn các tỉnh, TP tổ chức chiến dịch truyền thông nhân Ngày thế giới phòng chống lao. Mục đích nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lước quốc gia phòng, chống lao Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác dự phòng, chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người mắc lao.

Với người mắc bệnh lao, tập trung tuyên truyền bệnh lao có thể chữa được nhưng không được chủ quan bởi số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia. Không ai đáng chết vì bệnh lao.

Đối với những bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB hỗ trợ. Mục tiêu cơ bản của quỹ này là hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Hằng Vương (t/h)