Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 9 ngày nghỉ Tết từ 25/1 đến 2/2/2025 (tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), lượng khách quốc tế đến Hà Nội dịp này là 142.000 lượt, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chủ yếu là các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Anh, Malaysia, Ấn Độ, Đức, Pháp, Nhật Bản...; 859.000 lượt khách du lịch nội địa, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, kết quả này là từ sự chuẩn bị chu đáo của các khu, điểm và doanh nghiệp du lịch. Từ những ngày trước Tết, các khu, điểm tham quan du lịch đã tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch, ra mắt nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật từ Tết dương lịch kéo dài qua Tết âm lịch Ất Tỵ 2025 nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Xe buýt hai tầng chở khách tại khu vực Hồ Gươm. Ảnh: KT
Xe buýt hai tầng chở khách tại khu vực Hồ Gươm. Ảnh: KT

“Trong dịp lễ Tết Nguyên đán năm nay, trên địa thành phố diễn ra rất nhiều sự kiện sôi động, hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Những hoạt động, sự kiện được kéo dài xuyên qua Tết Nguyên đán đã làm cho du khách đến Thủ đô được sống trong không khí Tết cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ như: Chương trình “Tết làng Việt năm 2025” tại Không gian đình làng Mông Phụ - Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); chương trình đón Tết tại Làng văn hoá, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) với chủ đề “Xuân về trên bản làng”; chương trình "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm; chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" tại phố cổ; trưng bày không gian Tết truyền thống tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long..”, bà Đặng Hương Giang cho hay.

Ngoài ra, theo bà Đặng Hương Giang, thời gian trong và sau Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch của Thủ đô cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút du khách như: Các chương trình bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa tại hồ Hoàn Kiếm, sân vận động quốc gia Mỹ Đình; các chương trình biểu diễn chào năm mới 2025 tại đền Ngọc Sơn, sân khấu phía trước tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); hồ Văn Quán (quận Hà Đông)…

Du khách xếp hàng chờ mua vé vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: KT
Du khách xếp hàng chờ mua vé vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: KT

Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, hiện các địa phương đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức các lễ hội lớn vào đầu năm như: Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)…

Ngoài ra, để đẩy mạnh hoạt động du lịch từ đầu năm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2025” tại Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng và chương trình Du xuân hữu nghị 2025 tại huyện Mê Linh. Đây là 2 hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch mở màn của Ngành du lịch Thủ đô trong năm 2025.

Theo Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), tính đến mùng 3 Tết, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón trên 65.000 lượt du khách. Dự kiến, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng người dân và du khách tham quan, trải nghiệm tại di tích sẽ còn tăng cao.

Năm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn dịp Tết Ất Tỵ. Điểm nhấn là Hội chữ Xuân 2025 diễn ra từ ngày 23/1 – 9/2 (24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng) tại khu vực Hồ Văn.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, dịp này tại khu vực Hồ Văn cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phục vụ khách tham quan, trong đó có 3 triển lãm gồm: Triển lãm thư pháp "Thực học" trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ; triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards 2012 - 1018"; triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến góc nhìn đa dạng truyền thống và đa dạng về rắn - linh vật của năm Ất tỵ.

Ngoài ra còn có nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...). Trong khu Nội tự, bên cạnh hai khu trưng bày "Trường Quốc học đầu tiên" và "Khơi nguồn đạo học", khách tham quan được thưởng thức triển lãm "Dấu xưa văn hiến 3: Thiên Quang" đang diễn ra tại Tiền Đường nhà Thái học.

Tuấn Ngọc (t/h)