Spa Bích Ngọc chữa "lợn lành thành lợn qùe"?

Qua giới thiệu của bạn bè, ngày 5/12/2022 chị H. đã đến Spa Bích Ngọc (Spa) để được tư vấn điều trị nám trên hai bên gò má. Sau khi được tư vấn, giảm giá thì gói điều trị nám của chi H. là 8 triệu đồng, do bận công việc nên chị H. đã chuyển khoản đặt cọc trước 1 triệu đồng. Đến ngày 4/03/2023, chị H. thanh toán số tiền còn lại là 7 triệu đồng và bắt đầu làm liệu trình điều trị nám nhưng không được xuất hóa đơn bán hàng. Chị H. cho biết, trong khi đang sử dụng liệu trình, chị phát hiện xuất hiện những vùng da tối màu, kéo dài thành vệt dài từ thái dương xuống cằm mà trước đây không có, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của chị. Tiền mất, tật mang chị H. trong tình trạng hoang mang khi không thể tìm được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà Spa cho chị sử dụng.

Sản phẩm ủ tê Spa Bích Ngọc sử dụng 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ
Sản phẩm ủ tê Spa Bích Ngọc sử dụng 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ Tiếng Việt. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Sau khi chị H. phản ánh tình trạng của mình đến spa thì phía Spa gửi cho chị H. 1 bản cam kết thỏa thuận sử dụng dịch vụ thủy kim trị nám, tàn nhang chưa điền thông tin bên B và cả hai bên chưa ký. Theo bản cam kết này bên A là bà Mai Thùy D, giám đốc hệ thống thẩm mỹ Bích Ngọc.

Theo thông tin chị H. cũng cấp Spa, nơi chị được tư vấn và làm liệu trình nám có địa chỉ tại số 106 Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, cơ sở đã hoạt động lâu năm tại địa điểm này. Đồng thời, chị H. cũng nghi ngờ chủ cơ sở này chỉ đứng tên chứ không trực tiếp kinh doanh tại Spa Bích Ngọc, không đủ điều kiện hoạt động.

Spa Bích Ngọc được kiểm tra thường niên

Nhằm xác minh thông tin, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên lạc và có buổi làm việc với bà Đinh Thị B. quản lý Spa tại số 106 Lương Khánh Thiện. Theo đó, bà B xác nhận chị H. là khách hàng của Spa, liệu trình trị của chị H. là liệu trình nám chân, nội tiết có giá niêm yết là 20 triệu đồng/liệu trình và liệu trình điều trị cho chị H. chưa kết thúc. Đại diện Spa cũng khẳng định không lừa đảo, chèo kéo chị H. mua thêm liệu trình và các sản phẩm sử dụng cho khách do công ty ở Hà Nội cấp có đầy đủ giấy tờ. Tuy nhiên, khi nào các đoàn kiểm tra có thông báo kiểm tra thì mới gọi về công ty để xin hóa đơn. Liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị, máy móc Spa đang sử dụng thì đại diện spa cho biết do các đoàn kiểm tra không yêu cầu nên giấy tờ để lung tung.

Sản phẩm Thủy Kim
Sản phẩm Thủy Kim. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Chia sẻ về các bước trong liệu trình, bà Hà Thị Thu Ph. nhân viên trực tiếp thực hiện liệu trình này cho chị H. cho biết các bước gồm: vệ sinh, ủ tê, tác động nốt nám và cuối cùng là đưa thuốc về bôi.

Tại buổi làm việc, đại diện Spa cho biết bà Mai Thùy D. là chủ hộ kinh doanh Bích Ngọc spa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh lần đầu ngày 17/7/2018 và thay đổi lần thứ nhất ngày 4/3/2020 Ngành nghề kinh doanh của Spa là kinh doanh dịch vụ chăm sóc da và bán mỹ phẩm. Tuy nhiên, bà Dương không có mặt tại Spa thường xuyên. Trong các đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra có thông báo kiểm tra thì bà D sẽ ủy quyền cho bà B tiếp đoàn.

Bảng giá niêm yết tại Spa Bích Ngọc
Bảng giá niêm yết tại Spa Bích Ngọc. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Theo đại diện chủ Spa hàng năm các cơ quan chức năng như: Phòng cháy chữa cháy, Quản lý thị trường, thuế và Y tế đều đến kiếm tra. Đợt kiểm tra gần nhất của Y tế vào cuối năm 2022 gồm 4 thành viên.

Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về quyền của người tiêu dùng như sau:

Quyền của người tiêu dùng

  1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
  2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
  3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
  4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
  5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

...

Quỳnh Nga

(Còn nữa)