Đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, xử lý, khiến người dân và người tham gia giao thông vô cùng bức xúc.

Hành lang ATGT trên Quốc lộ 5 đang bị ‘xâm phạm’ nghiêm trọng - Hình 1Hành lang ATGT trên Quốc lộ 5 đang bị ‘xâm phạm’ nghiêm trọng - Hình 1

Hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên dọc tuyến Quốc lộ 5, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (đoạn chạy qua địa bàn TP. Hà Nội và Hưng Yên) để phục vụ kinh doanh, sản xuất

Dọc tuyến Quốc lộ 5 qua Thị trấn Trâu Quỳ, xã Dương Xá của huyện Gia Lâm (Hà Nội) và một số xã của huyện Văn Lâm (Hưng Yên) là “thiên đường” của những bãi máy nhập khẩu như: máy xúc, máy san gạt, xe nâng, máy công trình…

Những bãi máy này tận dụng vị trí thuận lợi ngay bên cạnh đường Quốc lộ 5 được một số cá nhân, doanh nghiệp thuê đất từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các bãi máy đều vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, gây ô nhiễm môi trường khiến bộ mặt địa phương nhếch nhác…

Các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng trên đã hoạt động nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng: Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Cục Quản lý đường bộ I, Cảnh sát trật tự… lại không có biện pháp xử lý quyết liệt.

Hành lang ATGT trên Quốc lộ 5 đang bị ‘xâm phạm’ nghiêm trọng - Hình 2Hành lang ATGT trên Quốc lộ 5 đang bị ‘xâm phạm’ nghiêm trọng - Hình 2

 Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến nay cả chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có động thái kiểm tra, xử lý

Theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) có đến hàng chục bãi máy lấn chiếm hành lang an toàn Quốc lộ 5 và đường sắt. Tại đây, hàng loạt doanh nghiệp trưng biển ghi tên kèm số điện thoại liên hệ như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nhị Lâm; Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Đức Thành; Công ty Xuất nhập khẩu và Thương mại D&T – Ngọc Thiều; Công ty TNHH máy thiết bị Hùng Cường; Bãi máy Thạch Sơn; Công ty CP thiết bị phụ tùng THT; Xe nâng Ánh Hường; Công ty đường bộ 230; Xe nâng Phú Thụy; Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh thương mại Việt Nhật; Công ty Việt Long; Bãi máy Minh Thanh...

Bên cạnh việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 5 để máy móc, thì các doanh nghiệp, cá nhân này cũng tận dụng thành nơi sửa chữa, tân trang. Điều này không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Mặt khác, những chiếc máy nặng tới hàng tấn ra vào đã làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.

Có thể kể đến như tại khu vực Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), doanh nghiệp: Xe nâng HTG, xe nâng Phúc Tài Lộc... kinh doanh còn chiếm dụng luôn vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe nâng khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Một người dân xã Dương Xá bức xúc cho biết: “Khu Dương Xá này từ nhiều năm nay mấy bãi máy xúc, máy nâng họ lấn chiếm đường xá, dầu mỡ sửa chữa chảy, cát bụi đầy đường gây ô nhiễm môi trường. Xe cộ máy móc ra vào tùy tiện nguy hiểm cho người dân đi qua đây. Các chú cứ ở đây một lúc mà họ còn cho xe nâng đi ngược chiều, chạy xe mà không để ý là dễ tai nạn lắm...”.

Hành lang ATGT trên Quốc lộ 5 đang bị ‘xâm phạm’ nghiêm trọng - Hình 3

Hành lang ATGT trên Quốc lộ 5 đang bị ‘xâm phạm’ nghiêm trọng - Hình 4

Trên địa bàn xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có đến hàng chục bãi máy lấn chiếm hành lang an toàn Quốc lộ 5 và đường sắt

Không chỉ trên tuyến đường bộ Quốc lộ 5 mà tuyến đường sắt cũng gặp tình trạng tương tự. Theo Nghị định 56/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đã nêu rõ: “Chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau: Đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị là 5 m, ngoài khu vực đô thị là 15 m.” Tuy nhiên, các bãi máy dường như không quan tâm đến quy định trên và cũng không bị cơ quan chức năng xử lý “sờ gáy”.

Để làm rõ nội dung trên, phóng viên đã liên hệ với Cục Quản lý đường bộ I, ông Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính cho biết: “Hiện nay về việc quản lý tuyến Quốc lộ 5 tại Hà Nội, Cục đã bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý. Còn đối với đoạn chạy qua khu vực tỉnh Hưng Yên, hiện nay đơn vị quản lý chính là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), còn Cục chỉ là đơn vị quản lý về mặt hành chính”.

Quốc lộ 5 – tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và cụm cảng biển Hải Phòng với mật độ phương tiện trên tuyến đường này luôn ở mức cao, thúc đẩy phát triển giao thương, kinh tế. Bên cạnh đường bộ là tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong vận chuyển người và hàng hóa.

Dấu hỏi lớn ở đây nằm ở trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Bởi vì sao sai phạm đã diễn ra từ lâu, nhưng các cơ quan chức năng này lại không có biện pháp xử lý, gây bức xúc trong dư luận? Trong khi đó, Cục Quản lý đường bộ I cho rằng mình chỉ là đơn vị quản lý về mặt hành chính. Vậy trách nhiệm của cơ quan này ở đâu khi để những vi phạm nêu trên ngang nhiên tồn tại theo năm, tháng?

Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đăng Hoàng – Huyên Quang