LTS: Nghị quyết 01 ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hưởng ứng rất nhanh và chuẩn với những quy định về cho vay, huy động lãi suất đối với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức vay vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Mức lãi vay đã có quy định cụ thể với những tiêu chuẩn kèm theo... Hiểu nôm na rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về mức lãi trần để các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay. Các công ty tài chính hay công ty cho vay tiêu dùng đã mang lại sự tiện lợi nhất định cho khách hàng của họ, tức người tiêu dùng. Sản phẩm của công ty đã tạo ra thương hiệu của họ. Khách quan mà nói, họ có những đóng góp nhất định cho thị trường tài chính mở nhưng quá trình hoạt động, họ đã không giữ được tính khách quan đó mà ngày càng bộc lộ nhiều hành vi mang tính "lách luật". Thời gian gần đây, sản phẩm của các thương hiệu công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng thường xuyên bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc mập mờ trong hoạt động cho vay, lãi suất; đòi nợ kiểu đe dọa, quấy rối, ép buộc khiến cuộc sống của khách hàng, người tiêu dùng bị đảo lộn.
Những thương hiệu chúng tôi nêu, là đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng. Thương hiệu & Công luận thì cho rằng, với một doanh nghiệp đã có thương hiệu thì những phản ánh trên có thể là chưa chuẩn, có thể do người tiêu dùng chưa hiểu hết các quy định... có thể và có thể. Vì thế, PV trực tiếp tìm hiểu và vay vốn thì phát hiện phản ánh của người tiêu dùng về lãi suất "khủng" ở HappyMoney và các thông tin mập mờ khác là có thật. Còn những tư vấn vay thì đơn giản đến hời hợt và vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã có phản ánh về những vấn đề "rất lạ" trong việc cho người tiêu dùng vay với lãi xuất cao của thương hiệu hệ thống tài chính toàn quốc HappyMoney.
Thông tin từ chính HappyMoney giới thiệu thành lập với tiêu chí "Không ai bị bỏ lại phía sau" lấy khách hàng làm trọng tâm, không ngừng chuyển mình cùng biến động của cuộc sống để luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi". Tuy nhiên, hình thức hoạt động của thương hiệu HappyMoney như đã phản ánh đang tồn tại nhiều bất ổn qua, bài viết: “HappyMoney - thương hiệu hệ thống tài chính toàn quốc cho người tiêu dùng vay với lãi "khủng" đến mức nào?”.
Bài viết: “Vén bức màn đầy tai tiếng về thương hiệu HappyMoney mang tên hệ thống tài chính toàn quốc”, bài viết :“Happy Money Finance Lounge trung tâm tài chính, phiên bản nâng cấp cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”... đem đến cho độc giả những thông tin rõ ràng về việc hoạt động cho vay rất rầm rộ của HappyMoney.
Sau đại dịch Covid-19, khó khăn về tài chính đã bủa vây, “gõ cửa” từng nhà, từng người. Có thể nói, đây là thời điểm “vàng”, là mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện để "tín dụng đen" phát triển. Bờ tường, góc phố, cột điện từ thành thị đến nông thôn tràn lan rao vặt quảng cáo với những lời mời chào hỗ trợ tín dụng như: vay tín chấp thủ tục đơn giản, chỉ cần alo là có tiền, hỗ trợ vay tiền, giải ngân ngay trong ngày...
Thủ tục vay khá đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không phụ phí, nhận tiền nhanh chóng… đã thu hút nhiều người có nhu cầu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của HappyMoney. Những đối tượng HappyMoney hướng tới từ sinh viên đến người lao động "Không ai bị bỏ lại phía sau"… bởi lãi suất mang tên “hỗ trợ” qua bài viết:“HappyMoney cho sinh viên vay tiền bằng cầm cố thẻ và thông tin cá nhân người thân, bạn bè là "chắp cánh tương lai"?”. Tòa soạn Thương hiệu & Công luận nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, quan tâm của bạn đọc.
Chị Nguyễn Thị T., lao động tự do ở Hà Nội phản ánh: Những ngày cuối tháng Ba, do khó khăn về tài chính, cũng như công việc không được ổn định, chị T. đã tìm tới cửa hàng cho vay HappyMoney để vay tiền. Theo chị T. thì: "Lời quảng cáo, tờ rơi và tư vấn của tổng đài HappyMoney là vay tiền chỉ cần đăng ký xe”, tôi đến vay thì nhân viên cửa hàng nói rằng, phải để lại cả giấy tờ xe và phương tiện".
Quá bức xúc về việc "quảng cáo một đằng, tư vấn làm một nẻo” của HappyMoney, chị T thắc mắc: “Tôi chỉ có một phương tiện đi làm, bên cửa hàng cho vay giữ lại phương tiện thì tôi lấy gì để đi lại. Nếu như bên cửa hàng giữ lại phương tiện, thì khoản phí thuê xe hàng ngày tôi đi làm, di chuyển thì bên HappyMoney có hỗ trợ không? Tại sao trong khi tư vấn, tờ rơi quảng cáo chỉ cần đăng ký xe là có thể vay tiền, không cần cầm cố phương tiện mà giờ lại nói là giữ lại phương tiện. Tính minh bạch của HappyMoney ở đâu, khiến tôi rất mất thời gian vì nhưng lời quảng cáo mà không được việc gì?”
Cùng với bức xúc trên, gửi đến Thương hiệu & Công luận, trường hợp khách hàng Lê Văn P. cũng là người lao động tỉnh lẻ làm việc tại Hà Nội cho biết: “Tôi đến cửa hàng HappyMoney được nhân viên tư vấn cầm cố đăng ký xe, vay với giá trị 10.000.000 đồng, trong 12 tháng. Tiền lãi hàng tháng tôi phải trả là 600.000 đồng. Cộng cả 12 tháng cả lãi và gốc tôi phải trả là 16.000.000 đồng. Nhân viên tư vấn nói, hhách hàng đồng ý vay thì giải ngân trong 15 -20 phút. Tôi đồng ý vay, nhưng khi làm hồ sơ, cửa hàng HappyMoney ký rất nhiều giấy tờ, check thông tin về người thân, bạn bè, công ty tôi đang làm việc… đăng nhập zalo, facebook, truy cập danh bạ, chụp ảnh danh bạ… thủ tục hoàn tất hơn nửa ngày vẫn không được giải ngân. Không dừng lại ở đó, một nhân viên HappyMoney sẽ đến tận chỗ ở để xác minh, thủ tục rất rườm rà không như quảng cáo mời chào giải ngân 15-20 phút.”
Hiện, HappyMoney niêm yết lãi suất cho vay ở mức 1,66%/tháng, tương đương hơn 19,92%/năm để tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và trần lãi suất. Tuy nhiên, đây không phải toàn bộ chi phí vay mà khách hàng phải chi ra để thực hiện giao dịch.
Vì cùng với mức lãi suất khá “nhẹ nhàng” này, tại Điều 2 của bản hợp đồng cho vay cầm cố mà phía HappyMoney đưa ra đối với mỗi khách hàng sẽ có điều khoản phải trả thêm 1,4%/tháng tiền “phí quản lý khoản vay” và 2,94%/tháng tiền “phí quản lý tài sản cầm cố”. Như vậy, tổng chi phí mà mỗi khách hàng phải trả để vay tiền từ hệ thống của HappyMoney lên tới 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cao gấp 3,6 lần so với quy định hiện hành của pháp luật về mức trần lãi suất là 20%/năm.
Tại bản hợp đồng còn ghi rõ quy định để ràng buộc với người vay là khoản phí trả nợ trước hạn 7% x số tiền trả nợ trước hạn. Đồng thời, nhân viên HappyMoney tư vấn: "để tránh khoản phí trả nợ trước hạn, thì thời hạn vay tối thiểu 60 ngày, quá 60 ngày không còn áp dụng phí trả nợ trước hạn".
Về việc, nếu người vay/sinh viên/người lao động, vì lý do bất khả kháng không trả lãi được đúng hạn, không trả được gốc thì như thế nào? Nhân viên tư vấn của HappyMoney đã tư vấn các giải pháp gì với người vay, Thương hiệu & Công luận chuyển đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.
Hoàng Thăng - Lê Pháp