Nhiệm vụ của hệ thống cảnh báo va chạm là quan sát phía trước đầu xe liên tục nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ xảy ra va chạm và phát ra cảnh báo cho tài xế. Trong tình huống khẩn cấp, hệ thống này sẽ can thiệp đến việc vận hành xe mà không cần đến sự cho phép của người lái, hệ thống này sẽ tự động liên kết với hệ thống phanh tự động (Automatic Emergency Brake) giúp xe tự động phanh trước khi có sự tác động của người lái, qua đó tránh được va chạm xảy ra.

Hệ thống cảnh báo va chạm trên ô tô hoạt động ra sao? - Hình 1

Hệ thống cảnh báo va chạm trên ô tô sử dụng sóng radio để kịp thời phát hiện các chướng ngại vật

Ban đầu hệ thống cảnh báo va chạm sử dụng sóng hồng ngoại để nhận biết môi trường xung quanh, tuy nhiên ngày nay sóng hồng ngooại đã được thay thế bằng sóng radio cho phép phát hiện các chướng ngại vật ở xa hơn.

Hệ thống cảnh báo va chạm trên ô tô hoạt động ra sao? - Hình 2

Màn hình điều khiển trung tâm sẽ thông báo khi phát hiện nguy cơ xảy ra va chạm

Hệ thống này bao gồm các cảm biến đặt ở phía trước đầu xe liên tục phát ra sóng radio, khi gặp chướng ngại vật sóng radio sẽ phản hồi ngược về lại cảm biến. Hệ thống điều khiển trung tâm (ECU) sẽ tự động tính toán khoảng cách giữa xe đến chướng ngại vật và gửi cảnh báo đến tài xế.

Cảnh báo va chạm cũng như phanh khẩn cấp tự động là 2 hệ thống an toàn tiên tiến, trước đây thường chỉ xuất hiện trên xe hạng sang. Tuy nhiên vì sự hiệu quả của mình, cộng với việc các công nghệ xe tự lái đang dần phát triển, các công nghệ này dần được áp dụng xuống các dòng xe phổ thông hơn. Trên thế giới, các dòng sedan hạng C, crossover/SUV hạng C cũng đã dần được trang bị công nghệ an toàn này.

Hằng Vương (t/h)