CĐT thiếu trách nhiệm?

Cư dân Hòa Bình Green City rất bức xúc vì từng ấy năm chậm trễ làm sổ đỏ, thành lập BQT mà CĐT không hề có thông báo gì về việc này?

Tại buổi đối thoại với cư dân, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty trả lời đã 7 lần có văn bản đề nghị cư dân tổ chức hội nghị nhà chung cư thành lập BQT, nhưng cư dân chưa làm theo thông báo (?).

Theo quy định tại Điều 103 - Luật Nhà ở 2014, đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập BQT nhà chung cư. CĐT phải có trách nghiệm chủ trì hội nghị nhà chung cư lần đầu và cử người tham gia vào BQT. Ngay sau khi BQT được thành lập, công trình nhà chung cư sẽ được CĐT nghiệm thu và bàn giao lại cho BQT.

Ông Đường còn nói không hề biết đến Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng, CĐT có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư, CĐT rất bận, CĐT không biết mình phải làm gì hết, cư dân cứ làm và CĐT sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Trước câu trả lời này, cư dân bức xúc cho rằng một công ty làm về xây dựng bao nhiêu năm, lại không biết đến luật về xây dựng?

Hoà Bình Green City: Dân lo bị chiếm dụng quỹ bảo trì - Hình 1

Ông Nguyễn Hữu Đường trong cuộc đối thoại với cư dân Hoà Binì Green City

Ngay tại cuộc đối thoại, ông Đường ngay lập tức chi 150 triệu đồng thuê luật sư tư vấn, tiến hành tất cả các thủ tục để tổ chức hội nghị nhà chung cư sớm nhất cho cư dân.

Cũng theo ông Đường, ngay sau khi có BQT, CĐT sẽ bàn giao hơn 41 tỷ đồng quỹ bảo trì và bàn giao luôn quyền quản lý, vận hành tòa nhà cho BQT. Số tiền này, đang được CĐT nắm giữ và không phong tỏa tại NH nào.

Theo tính toán, nếu lãi suất NH trung bình là 6%/năm, thì tiền lãi 1 tháng vào khoảng 207 triệu đồng, 1 năm là 2 tỷ 484 triệu đồng. Vậy 4 năm sẽ là 9 tỷ 936 triệu đồng, cộng với tiền gốc quỹ bảo trì thì tổng số tiền sẽ là 51 tỷ 336 triệu đồng…

Người dân lo lắng

Theo báo báo tình hình sử dụng quỹ bảo trì CĐT đưa ra trong buổi đối thoại, tổng số phí bảo trì đã thu theo hợp đồng căn hộ là 41.401.189.381 đồng. Năm 2015, CĐT chi cho các hạng mục bảo trì, sửa chữa, thay mới hết 190.974.020 đồng, năm 2016, chi 626.568.980 đồng, năm 2017 chi 1.078.284.161. Tính đến ngày 31/7/2017, CĐT đã chi 1.895.827.161 đồng. Hiện tại, số tiền quỹ bảo trì còn 39.505.362.220 đồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì, CĐT có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại NHTM với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho BQT khi BQT được bầu ra.

Nếu CĐT Hòa Bình Green City không gửi NH khoản tiền này, thì khoản tiền lớn đến như vậy đang được giữ để sử dụng cho mục đích gì? Và khoản tiền lãi nếu gửi NH theo đúng pháp luật, bây giờ ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho cư dân? Cư dân tỏ ra lo ngại về việc có khả năng quỹ bảo trì của chung cư Hòa Bình Green City đã bị CĐT chiếm dụng.

Thực tế, đã có nhiều CĐT chiếm dụng quỹ bảo trì của cư dân, không hoàn trả sau khi BQT được thành lập theo đúng pháp luật như Keang Nam, Hồ Gươm Plaza (Hà Nội), Khang Gia Tân Hương (TP. HCM)… Điều này, càng khiến cư dân thêm lo lắng sau khi BQT được thành lập, CĐT có giữ đúng lời hứa bàn giao số tiền này để vận hành toà nhà hay không.

Hoà Bình Green City: Dân lo bị chiếm dụng quỹ bảo trì - Hình 2

Cư dân lo lắng tiền quỹ bảo trì đang bị chiếm dụng

Nghị định 99/2015 hướng dẫn thực thi luật, nêu rõ trong thời hạn 7 ngày sau khi BQT nhà chung cư được thành lập, CĐT phải chuyển giao toàn bộ phí bảo trì cho BQT; nếu không bàn giao, sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế.

Trình tự cưỡng chế là: BQT gửi văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu CĐT bàn giao kinh phí bảo trì; UBND tỉnh ra văn bản đề nghị CĐT bàn giao kinh phí; nếu CĐT không bàn giao thì UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì của nhà chung cư trái pháp luật.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, nếu có bằng chứng về việc CĐT cố tình chiếm đoạt phí bảo trì, thì đây là dấu hiệu của tội “chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy, các khu dân cư, BQT có quyền tố cáo hành vi của CĐT đến cơ quan công an mà không cần chờ sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Hiện cư dân đã gửi đơn thư kêu cứu khẩn cấp đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trúc Mai