Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử

Sáng 21/11/2021, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử.

Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lê Minh Khái - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tham dự hội nghị có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Thuế và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), tổ chức sử dụng và cung cấp dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Tại điểm cầu 6 địa phương triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1: Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM;

Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Quảng Ninh; Ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ...

Tham dự hội nghị còn có sự góp mặt của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành tại địa phương; Ban lãnh đạo Cục Thuế, các phòng, Chi cục Thuế thuộc Cục Thuế, đại diện DN tại địa phương.

Tại điểm cầu 57 tỉnh, thành phố có Ban lãnh đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố và các Phòng nghiệp vụ, các Chi cục Thuế thuộc các Cục Thuế và các khách mời.

Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử
Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử.

Tiên phong cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, là đơn vị chủ lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính, ngay từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Đến nay, qua 30 năm liên tục đầu tư và phát triển, hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa được mọi ứng dụng trong tất cả các khâu của quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, DN trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.

Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, DN.

Tổng cục Thuế luôn nỗ lực liên tục cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý để mang lại những tiện ích cho người dân, DN. Ngay từ năm 2010, Tổng cục Thuế đã đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung hóa đơn điện tử vào hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán, tạo cơ sở pháp lý để các DN hiện đại hóa công tác quản trị DN phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Mặc dù hóa đơn điện tử là công nghệ mới với nhiều tiện ích vượt trội so với hóa đơn giấy, song để thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã nhận thức và chỉ đạo quyết liệt trong chuyển đổi số và coi đây là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Thời gian qua, ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã rất nỗ lực trong cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Từ năm 2015, ngành thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả.

Mang lại hiệu quả thiết thực

Về đăng ký thuế: Triển khai đăng ký thuế điện tử liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh đối với DN bắt đầu từ năm 2009 và đăng ký thuế điện tử trực tiếp với cơ quan thuế đối với cá nhân và tổ chức khác bắt đầu từ năm 2019, tính đến nay 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh;

Về khai thuế điện tử: Triển khai khai thuế điện tử từ năm 2009, tính đến năm 2021 có trên 849.000 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số trên 849.600 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,9%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 là trên 16 triệu hồ sơ;  

Về nộp thuế điện tử: Triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2014, tính đến năm 2021 có trên 837.300 DN đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số DN đang hoạt động;

Về hoàn thuế điện tử: Triển khai trên toàn quốc từ năm 2017, tính đến năm 2021 số DN tham gia hoàn thuế điện tử là trên 8.000 trên tổng số 8.200 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ gần 98%.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đã tạo ra bối cảnh người dân và DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế.

Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về HĐĐT và ban hành các quyết định triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021.

Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/06/2022 đạt 100% DN trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.

Để kịp thời triển khai hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đồng thời, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi động hệ thống hóa đơn điện tử.

Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử mà ngành tài chính, ngành thuế đang thực hiện cũng góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các DN.

Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả DN và nền kinh tế. Góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.

Sự kiện tổ chức Lễ kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử là kết quả của những nỗ lực to lớn và sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử và sự phối hợp, ủng hộ, đồng hành của các lãnh đạo UBND 6 tỉnh, thành phố và cộng đồng DN.

Sau Hội nghị công bố Hệ thống hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hoá đơn điện tử đến toàn bộ cộng đồng người dân, DN, giúp họ hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử T.

Đồng thời, việc triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu phục vụ triển khai mở rộng hệ thống trên cả nước. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử thành công sẽ tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn cơ và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành tài chính.

Minh Anh

Bài liên quan

Tin mới

Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII
Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?
5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?

Việt Nam có mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó có nhiều con sông lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng...

Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu
Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 23.5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu.

Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024
Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1325/QĐ-UBND quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố
Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố….

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.