Hội thảo nhằm thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của công nghệ chuyển đổi số đến với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có mong muốn xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng.
Hội thảo, có sự tham dự: Lãnh đạo VATAP; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý thị trường; Trung tâm Xúc tiến đầu tư; Công an tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh cho biết:
Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số - là nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng mà công nghệ chuyển đổi số còn là công cụ, là phương pháp hỗ trợ hiệu quả quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu uy tín, chất lượng của doanh nghiệp.
Riêng trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, công nghệ chuyển đổi số có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong xây dựng, phát triển thương hiệu, đặc biệt là chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đối với người tiêu dùng, công nghệ chuyển đổi số góp phần không nhỏ để định hướng tiêu dùng, giúp nhận biết đâu là thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng; biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả… để trở thành người tiêu dùng thông minh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh:
“Thông qua những bài tham luận của đại diện các sở, ban, ngành, chúng ta sẽ được tiếp nhận rất nhiều nội dung quan trọng xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu; đồng thời, cũng sẽ hiểu thêm về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong vấn đề này qua những bài phát biểu của một số doanh nghiệp tiêu biểu”.
Phó giám đốc Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Khu vực Bắc Trung Bộ, Tiến sỹ, Luật sư, trọng tài viên Ngô Quang Huycho rằng:
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới. Sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy hoạt đổi mới sáng tạo, là một trong các trụ cột quan trọng để mỗi quốc gia phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế và cũng là cơ hội để đón nhận các thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyển đổi số - không phải chỉ là nền tảng đưa lên để doanh nghiệp truy cập vào đó, mà cần đi từ vấn đề hạ tầng, thay đổi tư duy và nhận thức. Nhà nước hay hiệp hội, không thể nỗ lực làm thay đổi cho doanh nghiệp, mà chính doanh nghiệp, phải thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường".
Cục phó Cục Quản lý thị trường Nghệ An, Nguyễn Xuân Đôn cho biết:
"Hiện nay, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ đang là vấn đề nhức nhối và được các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý. Việc thực hiện chuyển đổi số giúp thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp được “đi xa” hơn; đồng thời, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, lựa chọn sản phẩm chất lượng, an toàn, tránh được hàng giả, hàng nhái, hàng kém.
Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc ViBook Group Nguyễn Nghĩa Vượng nhận định:
“Hiện nay, xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, “big data” (dữ liệu lớn) nổi lên đóng vai trò như một động lực chính. Xây dựng được “big data” - sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số thành công và nhanh hơn. Vì vậy, nếu coi chuyển đổi số là “con đường” thì “gig data” là một phương tiện. Vấn đề đặt ra là: Làm sao có được “big data” để sử dụng chung, cùng nhau khai thác, tạo ra những lợi ích kép lớn hơn?".
Ông Vượng đưa ra giải pháp:
“Vibook đang áp dụng đến 90% cho hệ sinh thái và đang mong muốn hợp tác với một số doanh nghiệp, tổ chức đang có nhu vầu về “big data” nhằm cùng nhau khai thác dịch vụ trên không gian mạng đa kênh, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, tiến đến quốc gia số.
Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, một phương thức mới. Vì vậy, khi triển khai thị trường gặp nhiều khó khăn, bởi các doanh nghiệp đều nghĩ rằng họ đã có website, phần mềm và đang vận hành nên không cần đến website nền tảng nữa.
Các doanh nghiệp chưa ý thức được - cần có một nền tảng riêng để cùng xây dựng "big data" cho mình trong tương lai, giảm thiếu các rủi ro tiềm ẩn và mang lại lợi ích lớn về lâu dài”.
Tại Hội thảo, đại diện Trung tâm Công nghệ chống hàng giả việt Nam, bà Trần Thúy Hà giới thiệu công nghệ chống giả BG, do Công ty Giải pháp và Công nghệ Sao Việt nghiên cứu, tạo ra cho các đại biểu, doanh nghiệp tham khảo.
Theo đó, BG là công nghệ chống giả, chống hàng giả và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Công nghệ chống giả BG được ứng dụng để bảo vệ tất cả các loại sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất từ cấp độ từ cơ bản đến cao cấp nhất.
BG được xây dựng trên các công nghệ mới là các công nghệ điện toán đám mây (icloud), công nghệ dữ liệu lớn (Bigdata), công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo AI.
Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ KTS VIVU Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Yến giới thiệu đến Hội thảo công nghệ Thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ đa thế hệ KTS ViVu Quảng Ninh. NĐây là hệ sinh thái (All – in – One), tích hợp nhiều tính năng. Trong đó có mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, Chat OTT, trình duyệt tìm kiếm, tích điểm Voucher.
Hệ sinh thái nền tảng số thế hệ mới KTS ViVu Quảng Ninh với các chức năng thông minh, đơn giản, dễ sử dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân có cơ hội chuyển đổi số hiệu quả, nhanh chóng tiếp cận với các giải pháp công nghệ mới nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.
Đến nay, KTS ViVu Quảng Ninh đã có nhiều đối tác là doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào nền tảng, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số thành công.
Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh tế Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức Hội thảo, Luật gia Ngô Doanh nhận định:
“Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực thi pháp luật và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức”.
Ông Doanh kiến nghị, Chính phủ cần kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu.
Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh mong rằng, thông qua Hội thảo lần này, sẽ cơ hội để các doanh nghiệp được biết đến và tiếp cận với các công nghệ cần thiết và hữu ích để có thể chuyển đổi số thành công.
Hiệp hội VATAP sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng công nghệ chuyển đổi số như tư vấn, giới thiệu các công nghệ phù hợp, giúp cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và xây dựng, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức Hội thảo đã trao tặng bằng khen của Hiệp hội VATAP cho 9 các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho thành công của Hội thảo “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu sản phẩm” tại Nghệ An.
Lê Quyết