Chỉ 1 đơn vị có đầy đủ điều kiện để hoạt động
Thương hiệu & Công luận đã đưa tin về việc nhiều đơn vị hoạt động tại CCN Di Trạch xả thải ra môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống bà con.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Minh Dương hoạt động ngày đêm
Mới đây, trong buổi làm việc với đại diện Công ty CP Thực phẩm Minh Dương, ông Nguyễn Duy Hồng, TGĐ Công ty cho biết: “Toàn bộ hệ thống chất thải của Minh Dương đều được thu gom hết về hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường. Khu vực kênh mương ô nhiễm, nhiều vệt như dầu mỡ là do chất thải từ việc hoạt động ở các đơn vị ở CCN Di Trạch xả ra. Các đơn vị bên CCN Di Trạch chủ yếu kinh doanh sản xuất sơn, bánh kẹo... nên chất thải ra chủ yếu là hóa chất, khó xử lý.
Đối với Công ty Minh Dương là đơn vị sản xuất các mặt hàng như miến, bún... nên chất thải chủ yếu là chất hữu cơ, dễ xử lý. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý chất thải của công ty luôn hoạt động 24/24 để xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường”.
Nước sau khi xử lý được dùng để nuôi cá, trồng rau cho chính lãnh đạo đơn vị sử dụng
“Cứ đến định kỳ là đoàn kiểm tra lại trực tiếp đến lấy mẫu mang đi xét nghiệm chính vì thế nước thải của công ty ra môi trường luôn đảm bảo 100% độ an toàn tuyệt đối, thậm chí nước sau khi xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của công ty được dùng để nuôi cá, trồng rau trực tiếp trong đơn vị mà chính gia đình tôi là người sử dụng”, ông Hồng chia sẻ.
Được biết, trước tình trạng ô nhiễm môi trường do các đơn vị tại CCN Di Trạch xả ra môi trường, các cơ quan chức năng đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa triển khai được.
Trước tình trạng trên, đại diện các đơn vị tại CCN Di Trạch đã đề nghị Công ty Minh Dương cùng xử lý các chất thải hóa chất. Tuy nhiên, do các chất thải là hóa chất xử lý thì phức tạp, cần nhiều thời gian và công xuất xử lý của hệ thống xử lý nước thải tại Minh Dương chỉ đáp ứng được cho việc xử lý của công ty nên không thể xử lý được cho các đơn vị bạn được.
Vì sao không dừng hoạt động các đơn vị chưa đủ điều kiện?
Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-UBND thu hồi 83.862 m2 đất nông nghiệp của xã Di Trạch, chuyển thành đất chuyên dùng, giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Di Trạch.
Các đơn vị hoạt động tại CCN Di Trạch vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải
Tháng 5/2010, CCN Di Trạch đã có 18 doanh nghiệp đăng ký thuê đất và mãi đến năm 2015, các doanh nghiệp này mới chính thức đi vào hoạt động.
Điều đáng nói, mặc dù đã đi vào hoạt động từ lâu, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hàng trăm hộ dân sống xung quanh CCN Di Trạch vẫn đang ngày đêm phải hứng chịu một thứ mùi khó chịu bốc lên do các DN xả thải trực tiếp ra môi trường.
Chất thải vẫn được trực tiếp đổ ra kênh
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phía xã đã nắm được các thông tin bà con phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại CCN Di Trạch. Phần lớn nội dung bà con phản ánh là đúng, tình trạng ô nhiễm trên, chủ yếu do ý thức của các DN trong việc chấp hành bảo vệ môi trường chưa cao”.
“Tại khu vực có 18 đơn vị đang hoạt động, trong đó có các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như sơn, sản xuất miến... UBND Xã không có thẩm quyền bởi không xác định được mức độ ô nhiễm để xử phạt. Xã đã báo cáo lên huyện về vấn đề trên.
Tuy nhiên, huyện cũng chưa tiến hành xử phạt đơn vị nào, bởi lẽ các đơn vị này cũng mới đi vào hoạt động. Quan điểm của xã là để phát triển kinh tế thì tạo điều kiện, nhưng không phải vì thế mà làm ảnh hưởng đến môi trường”, ông Mạnh cho biết thêm.
Người dân nơi đây vẫn hằng ngày sống chung với ô nhiễm
Khi được hỏi về việc "tại sao không yêu cầu các đơn vị xây dựng hệ thống xử lý nước thải?", ông Mạnh nói: “Đáng ra, về nguyên tắc thì các đơn vị phải có hệ thống xả thải ra hệ thống chung để xử lý, sau đó mới cho ra môi trường. Về quy hoạch thì có, nhưng hiện tại chưa thực hiện được mà thực tế của đơn vị nào thì đơn vị ấy vẫn trực tiếp xả thải ra môi trường”.
Trước vấn đề trên, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao trong một CCN rộng lớn như Di Trạch, chỉ có 1 đơn vị duy nhất tuân thủ các điều kiện về hoạt động sản xuất? Tại sao các đơn vị không đảm bảo điều kiện vẫn ngang nhiên đi vào hoạt động?
Những thắc mắc trên, đề nghị lãnh đạo huyện Hoài Đức cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hà Nội vào cuộc và có câu trả lời sớm nhất tới bạn đọc.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
PV