Bảo vệ môi trường và tiện lợi
Chị Nguyễn Thu Hằng, ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: "Người nội trợ như chúng tôi sử dụng rất nhiều loại túi, hộp để bảo quản thức ăn. Sau nhiều lựa chọn, tôi chọn đồ nhựa gia dụng để bảo quản thức ăn thay túi nilon, thay hộp bảo quản dùng một lần... Thậm chí, đi chợ mua thức ăn, tôi cũng dùng làn nhựa chứ không dùng túi nilon đựng đồ".
Cùng chung ý kiến với chị Hằng, nhiều bà, mẹ, chị chuyên nội chợ trong gia đình cũng thử rất nhiều cách để bảo quản thực phẩm, cuối cùng họ dùng hộp nhựa lâu dài. Dùng xong, lại rửa, để khô ráo, rồi tiếp tục cho thức ăn vào để bảo quản...
Thực tế, việc chứa thực phẩm trong các loại hộp bảo quản thực phẩm có thể tái sử dụng là một trong những cách tốt nhất để làm giảm tác động môi trường thay cho việc trước đó, chúng ta dùng đồ một lần như hộp xốp, bịch nylon, giấy chứa… Thế nhưng, họ chưa lường trước được, những chiếc hộp nhựa đó được sản xuất như thế nào? Có những chất gì trong đó, chất liệu của hộp nhựa có ẩn chứa nguy cơ gì ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?
Cảnh báo ẩn chứa dư lượng hóa chất độc hại
Theo một số nghiên cứu gần đây, hộp nhựa bảo quản thực phẩm ẩn chứa dư lượng hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng hộp, cần phải xem xét kỹ chất liệu hộp dùng để bảo quản thực phẩm.
Theo các nhà khoa học, có nhiều yếu tố gây béo phì, bao gồm di truyền, căng thẳng, virus và những thay đổi trong thói quen ngủ ở chất liệu hộp nhựa. Gần đây xuất hiện một quan điểm đáng chú ý: Chính môi trường sống của chúng ta gây ra bệnh béo phì, và nội dung này đã bị bỏ qua trong nhiều nghiên cứu trước đây.
Các nhà khoa học cho biết, sự hiện diện tràn lan của các chất hóa học - ngay cả ở liều lượng rất thấp - có thể làm rối loạn hoạt động bình thường của quá trình trao đổi chất ở người, rối loạn cơ thể và khả năng điều chỉnh lượng năng lượng nạp vào và tiêu thụ.
Một số hóa chất này, được gọi là "obesogens", trực tiếp thúc đẩy sản xuất các loại tế bào mô mỡ cụ thể có liên quan đến bệnh béo phì. Những hóa chất này xuất hiện nhiều trong sản phẩm cơ bản nhất của cuộc sống hiện đại, bao gồm bao bì nhựa, quần áo và đồ nội thất, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, các hóa chất có trong bao bì và đồ nhựa bảo quản thức ăn hằng ngày đã thúc đẩy sản xuất các mô mỡ, gây ra bệnh béo phì. Đáng quan tâm nhất là nitrates và nitrites, thường được sử dụng làm chất bảo quản, chủ yếu có trong một số sản phẩm từ thịt. Phthalates có trong túi đựng bằng nhựa và bisphenols có trong đồ hộp kim loại đựng thực phẩm.
Các nhà khoa học khuyến khích sử dụng rau củ tươi, tránh sử dụng các loại đồ hộp, đồ ăn đóng gói sẵn. Với các hộp nhựa, đặc biệt người sử dụng không cho vào lò vi sóng để làm nóng thức ăn.
Đặc biệt, hãy kiểm tra mã tái chế ở dưới cùng sản phẩm và tránh các loại nhựa có mã tái chế 3, 6, 7 bởi chúng có thể chứa phthalates, styrene và bisphenol, trừ khi chúng được dán nhãn “biobased” hoặc “greenware”. Hãy cẩn trọng khi sử dụng hộp đựng thực phẩm, bát, đĩa... bằng nhựa.
Thạch Thảo (t/h)