Lập “khống” hồ sơ để vay tiền quỹ tín dụng
Vừa qua, một số cán bộ từng công tác tại Quỹ tín dụng xã Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) đã có đơn thư đề nghị gửi đến Thương hiệu & Công luận, phản ánh về việc bổ nhiệm bà Đỗ Thị Quynh (SN 1958) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh.
Mặc dù trước đó (từ 1996 -2000), khi còn giữ chức vụ Kế toán trưởng quỹ tín dụng này, bà Quynh đã tự lập hồ sơ khống của hàng chục hộ dân mà không được sự cho phép của các hộ dân này để vay tiền quỹ tín dụng với số tiền hơn 60 triệu đồng?
Trụ sở Quỹ tín dụng xã Bình Minh
Trong đơn thư phản ánh cũng cho hay, sau một thời gian vay, bà Quynh không trả được các khoản vay, Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh cho gọi các hộ dân trên, yêu cầu trả nợ thì hơn 20 hộ dân mới biết mình là khách hàng đi vay tại quỹ mà chưa bao giờ ký văn bản vay nợ hay nhận tiền của quỹ? Khi vụ việc vỡ lở, bà Quỳnh mới khắc phục hậu quả một phần, xin chuyển công tác lên tỉnh.
Để tìm hiểu rõ nội dụng phản ánh trên, PV đã tìm gặp ông Phạm Hồng Tuyến (xóm 4, Thiết Trụ, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) – nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh, đồng thời là người bị bà Đỗ Thị Quynh lập hồ sơ khống để vay với số tiền 5 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Tuyến cho biết: “Việc bà Đỗ Thị Quynh lập khống hồ sơ vay tiền là có thật. Sau khi tôi tiếp nhận, bà Quynh đã khắc phục tương đối và thời điểm tôi nhận chức vụ thì chỉ còn một số ít sau đó đã khắc phục xong. Tuy nhiên, tính chất của nó khá nghiêm trọng. Khi mới thành lập quỹ, ngoài huy động tiền của bà con để cho vay thì có việc bà Quynh lên Trung ương nhận vốn điều hòa về để cho vay.
Nhưng có nhiều lần đi làm thủ tục vay tại quỹ trung ương về tự làm hồ sơ vay để lấy tiền ra không thông qua thủ quỹ - tức hồ sơ khống. Lúc tiếp nhận công việc tại Quỹ tín dụng xã, tôi thấy tuy số tiền quỹ không lớn nhưng tỷ lệ nợ xấu cao”.
Cũng theo lời ông Phạm Hồng Tuyến: “Đa số các món đó là vay khống chứ không có ai nhận. Ngay bản thân tôi, tự nhiên quỹ cũng đến đòi nợ 5 triệu nếu, không trả thì thế này thế kia... Trong khi đó, tôi chưa vay bao giờ cả. Tôi nói, tôi không vay, không ký hồ sơ tại sao phải trả. Lúc bấy giờ, bà Quynh gặp tôi nói "chị mượn". Tôi nói, cái đấy chị mượn nhưng tôi không biết... Tại thời điểm đó, phải có hơn chục người bị như tôi, không vay nhưng lại bị quỹ đòi vì hồ sơ khống. Hồ sơ khống là cực kỳ nguy hiểm. đến hết năm 2000, bà Quynh đi, sau đó dần được khắc phục, tổng số tiền bà Quynh nợ là khoảng 70 triệu đồng, trong đó mỗi sổ vay được 5 triệu”.
Ông Tuyến cũng cho rằng: “Việc lập hồ khống cho vay như bà Quynh tại thời điểm từ năm 1999 - 2000, nhưng mới đây, bà Quynh lại trở về làm Chủ tịch Hội đồng Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh, tôi thấy không hợp lý. Dù sau này, bà Quynh có khắc phụ tiến bộ đến đâu, nhưng trở lại vị trí như thế, tại đơn vị - đã từng gây ra hâu quả rồi bỏ ra đi, gây mất uy tín. Do sai phạm trên, bà Quynh phải chuyển công tác và nếu không chuyển thì phải nghỉ. Tại thời điểm sai phạm của bà Quynh, các cơ quan chức năng đều biết, nhưng có cái là để làm sao khắc phục hậu quả, không phải truy tố”.
Vì sao vẫn được tín nhiệm dù đã mắc sai phạm?
Trao đổi với PV về sai phạm của bà Đỗ Thị Quynh, ông Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Việc bổ nhiệm mới đây của bà Quynh là theo quy trình bổ nhiệm, do Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hưng yên yêu cầu ông Phạm Hồng Tuyến, nguyên Giám đốc quỹ không có khả năng thanh toán. Việc bổ nhiệm, đầu tiên là tham khảo lấy ý kiến của các thành viên trong cán bộ xã.
Bà Quynh ra đây tại thời điểm này là giúp đỡ quỹ tín dụng xã hoạt động, thu hồi nợ của một số trường hợp cũ với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, nhưng cho đến nay đã khắc phục được một số, còn lại khoảng 6 tỷ. Việc này đang được gửi ra tòa hơn 20 món khởi kiện. Còn thời điểm bà Quynh đi, chắc cũng trả nợ hết rồi bà vay nợ quỹ do một số công việc gia đình, sau đó đã hoàn lại. Sau khi nghỉ ở quỹ tín dụng xã, bà Quynh chuyển sang làm Phó liên minh Hợp tác xã tỉnh Hưng Yên”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi "bà Quynh chuyển đi, nhưng mới đây lại được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh, có bị ảnh hưởng đến uy tín?", ông Hùng nói: Bổ nhiệm lại có quy trình; thứ nhất, xin chủ trương của Đảng ủy, UBND đều đồng ý, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hưng Yên đồng ý và gửi phiếu tham khảo cho tất cả thành viên trong quỹ, sau đó mới tiến hành bổ nhiệm.
Trao đổi với PV qua điện thoại, bà Đỗ Thị Quynh thừa nhận có từng lập hồ sơ để vay tiền, nhưng đã khắc phục ngay sau đó.
“Không có vấn đề gì đâu, vì thực ra trước đây, tôi có thời gian làm việc tại quỹ, thời điểm khó khăn tôi cũng vay mấy món nhưng sau này cũng trả lại đủ. Sau đó, tôi chuyển về tỉnh công tác. Thời gian gần đây, khi tôi nghỉ hưu, tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh, xảy ra tình trạng bê bối, Đảng ủy, UBND xã mời tôi tham gia giúp cùng anh em thu nợ xấu và giúp địa phương giữ lại quỹ nên tôi mới nhận làm Chủ tich HĐQT quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh”, bà Quynh cho hay.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên…
Bùi Tú