Theo đánh giá, thị trường hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong tháng 6  năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2018 tương đối ổn định, hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng được người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn nhiều hơn. Mặt hàng phân bón tiêu thụ mạnh vào tháng 1 và tháng 6 hàng năm; mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật sức tiêu thụ cao nhất vào các tháng 2, tháng 3 và tháng 4 do những mặt hàng này tiêu thụ theo thời vụ sản xuất của nông dân.

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác giá cả tương đối ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu dùng cũng không có biến động lớn. Một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như thịt lợn do nhu cầu tiêu thụ cao, lượng cung không đáp ứng đủ vì nhiều nơi giảm đàn hoặc bỏ chuồng; mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng giá biến động liên tục do tác động của giá dầu mỏ trên thế giới.

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết giá cả không tăng cao như các năm trước. Sự ổn định giá cả trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán một phần do có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc xây dựng các kế hoạch, chủ động cung ứng đủ nguồn hàng và công tác kiểm tra, giám sát thị trường chặt chẽ.

Hưng Yên: Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm - Hình 1

Trao Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: L.V.M

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm hẳn so với thời gian trước đây về số vụ do có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tuy nhiên mức độ vi phạm của một số vụ việc đã phát hiện có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, nguy hiểm và liều lĩnh.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung vào nhóm các mặt hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành... những vụ việc đã được phát hiện chủ yếu xảy ra trên tuyến quốc lộ 5A qua địa phận tỉnh Hưng Yên và có liên quan đến một đối tượng là người Hưng Yên.

Đáng chú ý, gần đây mặt hàng phế liệu được đưa nhiều về các làng nghề để tái chế, các lực lượng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra xác định nguồn gốc hàng hóa. Không có cơ sở để phân biệt giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa là phế liệu thu gom trong nước (thường hàng phế liệu thu gom trong nước không có hóa đơn chứng từ như những loại hàng hóa khác).

Qua việc nhận định về tình hình chung trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2018, bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh Hưng Yên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch số 05/KH-BCĐ389 ngày 22/02/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018; ban hành Văn bản số 34/BCĐ-CQTT ngày 05/3/2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm sản xuất, kinh doanh mặt hàng cồn y tế, số 44/CQTT-QLTT ngày 17/4/2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh tranh trái quy định.

Bên cạnh đó, ban hành Kế hoạch số 17/KH-BCĐ ngày 19/01/2018 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, số 21/KH-BCĐ ngày 31/01/2018 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên về công tác đấu tranh chuống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 nhằm quán triệt, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chủ động nắm thông tin, dự báo tình hình, tăng cường công tác phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa bàn trọng điểm, khu vực tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm,… gây bất ổn thị trường.

Về công tác kiểm tra về giá, chống đầu cơ, găm hàng, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chủ động nắm bắt diễn biến cung cầu hàng hoá trên địa bàn, đồng thời tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nên trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018 trên địa bàn tỉnh không để xảy ra hiện tượng găm hàng đẩy giá lên cao nhằm thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường.

Về công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, mùa Lễ hội đầu Xuân và tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra những vụ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như không để xảy ra dịch bệnh.

6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ việc thuộc các lĩnh vực:

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Tổng số vụ kiểm tra, xử lý hành chính là 592 vụ giảm 245 vụ so với 6 tháng đầu năm 2017 (năm 2017 là 837 vụ), số vụ về hàng cấm, hàng lậu là 60 vụ tăng 11 vụ (năm 2017 là 49 vụ), số vụ về gian lận thương mại là 510 vụ giảm 275 vụ (năm 2017 là 785 vụ), số vụ hàng giả là 22 vụ tăng 19 vụ; Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước là 22.093,4 triệu đồng giảm 25.144,367 triệu đồng (năm 2017 là 47.237,767 triệu đồng, do phần lớn số thu 6 tháng đầu năm 2017 là truy thu thuế), trong đó thu từ tiền phạt là 7.083 triệu đồng, thu từ tiền bán hàng hóa tịch thu là 1.877 triệu đồng; truy thu thuế là 13. 133 triệu đồng.

Trong công tác kiểm tra về  an toàn vệ sinh thực phẩm: Tổng số vụ kiểm tra, xử lý hành chính là 25 vụ; Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 126,2 triệu đồng; Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 90,529 triệu đồng.

Các lĩnh vực khác: Tổng số vụ kiểm tra, xử lý hành chính là 138 vụ; Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 622,25 triệu đồng; Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 46,6 triệu đồng.

Tại Hội Nghị Tổng kết, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và đồng chí Dương Xuân Sinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã trao Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2017 của các đơn vị, cá nhân thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Lương Mạnh/bcd389