Cụ thể, theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản thì, tại các siêu thị lớn như Life, Frente và một số cửa hàng gạo ở Tokyo, hầu hết các kệ hàng bán gạo và mì ăn liền đều trống hoàn toàn. Ngay cả gạo nếp tuy vẫn còn trên kệ nhưng lại hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua 1kg.

Một số cửa hàng chuyên về gạo thậm chí đã đóng cửa vì hết hàng. Tại một chi nhánh của siêu thị Tagoju ở thành phố Shizuoka, việc hủy bỏ chương trình khuyến mại kéo dài phần nào phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo.

Ảnh TTXVN.
Ảnh TTXVN.

Theo người quản lý chi nhánh Nishi Nakahara, ông Katsumi Masuda cho biết, siêu thị đã phải kiểm soát doanh số bán hàng, thay vì tung ra các chương trình khuyến mại. Lượng gạo tồn kho giảm đáng kể và các loại gạo thường được bán ở đây đã giảm từ 50 xuống còn 12 loại.

"Nếu nguồn cung gạo bị gián đoạn, chúng tôi có thể phải áp dụng giới hạn mua, chẳng hạn như mỗi người tiêu dùng chỉ được mua một mặt hàng. Mặc dù gạo mới của năm nay đã có trên thị trường, chẳng hạn như loại gạo này được sản xuất tại tỉnh Kochi, nhưng 5 kg hiện có giá khoảng 2.580 Yên trước thuế, trong khi trước đây có giá chỉ 1.980 Yên.

Ngay cả đối với các loại gạo mới khác, giá cũng rất cao. Tỉnh Shizuoka cũng là một vùng sản xuất gạo lớn, nhưng thời tiết năm nay cực kỳ nóng, nhiệt độ thậm chí tăng lên tới 40 độ C. Vì vậy, tôi nghĩ tình hình sản xuất lúa gạo năm nay có thể khó khăn hơn", ông Katsumi Masuda nói.

Trên các trang web mua sắm trực tuyến của Amazon.com và Rakuten Group hay các kênh bán hàng online khác, sản phẩm gạo cũng trong tình trạng cháy hàng và thời gian giao hàng sớm nhất chỉ được xác nhận là cuối tháng Chín.

Nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy lo lắng trước tình trạng này: "Mặc dù các siêu thị vẫn bán gạo, nhưng rõ ràng nguồn cung khan hiếm hơn bình thường. Tôi lo lắng về việc giá sẽ tăng cao như thế nào. Trong trường hợp này, không thể tích trữ với số lượng lớn. Vì vậy, bất kể giá cao đến đâu, tôi cũng phải mua".

Ông Eiichi Aikawa, thành viên hội đồng của Hiệp hội bán lẻ gạo Nhật Bản (JRRA) cho biết: "Nhiệt độ cao của năm ngoái đã làm giảm chất lượng và giảm năng suất trồng lúa gạo. Điều đó có nghĩa là lượng gạo làm lương thực chính sẽ khan hiếm hơn".

Bộ Nông nghiệp Nhật Bản giải thích, nguyên nhân là do hoạt động thu hoạch lúa gạo năm 2023 bị ảnh hưởng và lượng khách du lịch nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản khiến nhu cầu tăng mạnh.

Cũng theo Bộ này, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng Sáu, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1999. Hầu hết lượng gạo thu hoạch trong năm nay vẫn chưa được đưa ra thị trường và lượng gạo tồn kho năm ngoái đã giảm xuống mức dự trữ tối thiểu, cả hai yếu tố này đều góp phần dẫn tới tình trạng thiếu hụt hiện nay.

Vụ thu hoạch lúa năm nay cũng đang được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, ít nhiều sẽ tác động tới các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thị trường gạo tại Nhật Bản có thể lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sớm hơn dự kiến trong năm tới và xu hướng tăng giá gạo được dự báo sẽ còn tiếp tục.

Theo CCTV/VOV.vn