Không ngủ quên trên thành tích

Năm 2019, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh của cả nước được Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Niềm vui còn đó, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai; Nam Định đã sớm quên niềm vui đó và không ngủ quên trên thành tích. Cả hệ thống chính trị tiếp tục nâng cao năng lực, dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Huyện Hải Hậu đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Huyện Hải Hậu thay da, đổi thịt sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định chia sẻ, sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới, UBND tỉnh Nam Định đã đặt ra những mục tiêu cho năm 2020 và cả giai đoạn 2021 - 2025, đó là hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; riêng huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa; tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Được biết, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” do tỉnh Nam Định phát động đã được các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Qua đó, đã góp phần quan trọng trong công việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Một góc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh
Xã Trực Chính, huyện Trực Ninh đang phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thông tin, năm 2023, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Trong năm 2023, tỉnh Nam Định đã công nhận 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

“Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh Nam Định có 191/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 25/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Hữu cho biết.

Theo ông Hữu, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố và các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Trong đó, đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Bốn mục tiêu lớn

Những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh và phát triển công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có lĩnh vực xây dựng nông thôn mới.

Họp trực tuyến tại xã chuyển đổi số
Buổi họp trực tuyến tại xã chuyển đổi số - xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh

Theo đó, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 4 mục tiêu lớn đề ra:

Một là, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Và, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới. Ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

...
Nông thôn mới thông minh đang dần hình thành ở các địa phương trong tỉnh Nam Định

Hai là, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Ba là, xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Bốn là, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực triển khai chương trình.

Văn Chiến