Điều đáng nói ở đây là những hộ dân “lấn đất” lại được xây nhà kiên cố để ở, dù gia đình Mẹ nhiều lần làm đơn thư kêu cứu lên chính quyền sở tại nhằm ngăn chặn, nhưng vẫn không được giải quyết?

Sau nhiều năm đi tìm công lý cho “mảnh đất 80.000 m2", tuổi cao sức yếu, Mẹ Việt Nam Anh hùng - Trầm Thị Tiêm (Má Bảy) đã lâm bệnh nặng và mất năm 2006. Trước khi mất, Mẹ căn dặn các con phải tìm cách để giữ lại mảnh đất “đền ơn, đáp nghĩa” để Mẹ thanh thản nhắm mắt xuôi tay.

Khi đất là “chùm khế ngọt” (Trà Vinh) - Bài 1: Ai lấn chiếm đất của MVNAH? - Hình 1

Đơn thư kêu cứu của bà Võ Thị Bích Hạnh

Theo đơn thư kêu cứu của bà Võ Thị Bích Hạnh (sinh năm 1977, cư trú tại  ấp Cồn Cù, xã Đông Hải, thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) - cháu gái của Mẹ Việt Nam Anh hùng - Trầm Thị Tiêm – người được gia đình ủy quyền theo đuổi việc đòi lại công lý mà lúc còn sống Má Bảy đã theo đuổi vẫn chưa được giải quyết, nội dung như sau:

Trước năm 1966, gia đình Má Bảy được Nhà nước cấp cho 80 công đất tại địa phương để sản xuất, cũng như làm căn cứ cách mạng. Đến năm 1966, phần đất này được giao lại cho Nông trường Thống Nhất quản lý và khai thác. Sau khi nông trường giải thể năm 1982, xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nhà nước trả lại cho Má Bảy để “đền ơn đáp nghĩa” (gia đình Mẹ có 3 người hy sinh trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là liệt sỹ Võ Văn Soái, hy sinh năm 1961, liệt sỹ Võ Văn Mực, hy sinh năm 1962, liệt sỹ Võ Văn Chánh và Võ Văn Diệp là thương binh hạng1/4) để canh tác.

Khi đất là “chùm khế ngọt” (Trà Vinh) - Bài 1: Ai lấn chiếm đất của MVNAH? - Hình 2

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của Mẹ

 Sau 30 năm sử dụng, năm 2002, gia đình Má Bảy làm đơn xin chính quyền cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho thửa đất này, vì đất sử dụng đã rất lâu năm. Tuy nhiên, yêu cầu này của gia đình Má Bảy đã không được chấp thuận, vì cán bộ xã cho rằng đây là “đất mượn” của UBND xã nên không được cấp chủ quyền. Lý do cán bộ xã, huyện nói đất của gia đình Má Bảy là đất xã cho mượn.

Sau nhiều năm, Mẹ "gõ cửa" cơ quan chức năng và rất nhiều lần xã gọi điện thoại lên UBND xã làm việc và “hứa miệng” sẽ cấp chủ quyền 30 công đất còn lại cho gia đình Má Bảy, với điều kiện trả lại hết giấy tờ liên quan đến miếng đất trên và không khiếu nại hay đòi lại 50 công đất đã bị các hộ dân lấn chiếm?...

Khi đất là “chùm khế ngọt” (Trà Vinh) - Bài 1: Ai lấn chiếm đất của MVNAH? - Hình 3

Khu đất bị lấn chiếm 

Bà Hạnh bức xúc: “Sau bao nhiêu năm, bà nội tôi (Má Bảy) gõ cửa các cơ quan chức năng với mong muốn được cấp sổ cho thửa đất trước khi bà mất, nhưng cán bộ xã, huyện nói đất của gia đình tôi là đất xã cho mượn. Khi gia đình tôi yêu cầu đưa ra Quyết định hoặc văn bản chứng minh việc cho gia đình tôi mượn đất, thì lãnh đạo xã lại không đưa ra được bằng chứng nào. Rồi nhiều lần xã gọi lên, hứa sẽ cấp đất... Đến nay, nội đã mất, đất gia đình bị lấn chiếm hết 50 công, nhưng vẫn không được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo bà Hạnh, 50 công đất của gia đình, bị 5 hộ dân lấn chiếm, trong đó có 3 hộ dân đã làm nhà ở kiên có. Điều đáng nói là những hộ lấn đất của Mẹ đều là người nhà của lãnh đạo xã này qua các thời kỳ (?!).

Trước những bức xúc của gia đình liên quan đến việc làm thiếu minh bạch của chính quyền địa phương, gia đình bà đã gởi đơn thư kêu cứu khắp nơi, nhưng mọi việc theo cái vòng luẩn quẩn từ xã lên huyện, tỉnh rồi lại quay về xã, rơi vào quên lãng!

Khi đất là “chùm khế ngọt” (Trà Vinh) - Bài 1: Ai lấn chiếm đất của MVNAH? - Hình 4

Huyện chuyển đơn giải quyết sự việc xuống cho... xã

Bà Hạnh nêu rõ, gia đình nhận thấy cán bộ xã, huyện giải quyết công việc không dựa vào chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước cho gia đình có công, không dựa vào Luật Đất đai và các văn bản kèm theo để giải quyết. “Tôi đề nghị chính quyền địa phương dựa theo lịch sử, xem xét áp dụng Luật Đất đai và các văn bản luật xử lý công bằng cho gia đình tôi”, bà Hạnh nói.

Cao Diên – Hải Dương