Không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Như vậy, các tập đoàn tài chính nước ngoài khó có thể hình thành ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động.

Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tăng gấp đôi so với thời điểm 2 năm trước. Mới đây nhất, Ngân hàng TNHH United Overseas Bank (UOB) chính thức công bố hoạt động ngân hàng con 100% vốn ở Việt Nam, sau khi nhận giấy phép tháng 9/2017, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 99 năm.

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc UOB cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là một thị trường chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Việc đầu tư vào ngân hàng con sẽ giúp củng cố và mở rộng hoạt động của UOB tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, trước UOB, có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động, gồm: HSBC (Hồng Kông), ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh), Shinhan Vietnam (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia), Citibank (Mỹ), CIMB (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia).

Trong khi các ngân hàng nội đang phải đau đầu với chuyện nhanh chóng tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tổi thiểu (CAR) theo Hiệp ước Basel II, thì ngân hàng ngoại lại khá thảnh thơi, bởi tỷ lệ CAR của nhóm ngân hàng này ở mức 29,11%, cao gấp 3 lần nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và gấp 2,5 lần so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam.

Hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay khá hiệu quả. HSBC Việt Nam cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 2.232 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016.

Với ANZ, năm 2017, nhà băng này đạt 1.335 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, phần lợi nhuận đột biến không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà đến từ mục lãi từ hoạt động khác (đạt 825 tỷ đồng, gấp 59 lần so với cùng kỳ).

Trong làn sóng đổ bộ và tăng cường đầu tư đến từ các “đại gia” Hàn Quốc, Shinhan Bank thể hiện tham vọng của mình khi mua đứt mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, với mục tiêu vươn lên Top 3 kinh doanh thẻ tín dụng tại thị trường trong 3 năm tới. Năm 2017, Shinhan Bank Việt Nam đạt 1.617 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 24,6% so với năm 2016. Sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, tổng tài sản của Shinhan Việt Nam đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng 37,6% so với năm 2016.

Có thể thấy, so với nhiều ngân hàng Việt, lợi nhuận của 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài kể trên còn khá khiêm tốn. Song theo các nhà phân tích tài chính, nếu so sánh một cách công bằng với những ngân hàng Việt cùng quy mô tổng tài sản (BacABank, OCB...), thì HSBC, ANZ, Shinhan đang vượt trội hơn.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định rằng, việc đổ bộ của ngân hàng con 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam không những nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch hóa thị trường, mà còn thay đổi cơ cấu nguồn thu của ngân hàng trong nước. Với lợi thế về mạng lưới hoạt động rộng rãi cùng nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế, nên khi vào Việt Nam, ngân hàng nước ngoài sẽ nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ. Trong khi đó, các ngân hàng nội lại đang phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu.

Dẫu vậy, lãnh đạo các ngân hàng thương mại Việt Nam cho rằng, điều đó chưa hẳn giúp ngân hàng nước ngoài chiếm được lợi thế, thị phần, vì ngân hàng trong nước hiểu văn hóa và thị hiếu người tiêu dùng hơn, đồng thời cũng đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bảo Ngọc