Theo đó, Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm Itera với diện tích 3,86 ha thuộc Khu Phần mềm, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Thời gian xây dựng Dự án được chia làm hai giai đoạn, từ năm 2018 đến năm 2023 với tổng vốn đầu tư là 1.479,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ thu hút trên gần 6.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng.
Với Dự án Itera, nhà đầu tư đặt mục tiêu xây dựng một tổ hợp công nghệ cao thực hiện sản xuất, cung ứng, hỗ trợ và thúc đẩy việc sử dụng phần mềm công nghệ cao trong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc Phạm Đại Dương phát biểu
Phát biểu tại Lễ công bố và trao Quyết định, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương đã chúc mừng và khẳng định thành công của ETC cũng là thành công của Khu CNC Hòa Lạc. Thứ trưởng Phạm Đại Dương yêu cầu ETC thực hiện đúng nội dung cam kết về quy mô, diện tích, tiến độ. ETC cần định hướng công nghệ đầu tư trong thời gian tới, như công nghệ tính toán hiệu năng cao, công nghệ điện toán đám mây… để cung cấp các dịch vụ theo xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Về phía Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương yêu cầu, các Ban chuyên môn của Khu phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư, chung tay xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là thành phố khoa học, thành phố kiểu mẫu đúng như Thủ tướng đã kỳ vọng.
Ông Hà Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc ETC cho biết, hiện Công ty đã có những sản phẩm nền móng, để phát triển đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc như phần mềm tính toán, giám sát, nhận diện hình ảnh, các hệ thống. Ông Hà Mạnh Hùng cũng cam kết, phát triển công nghệ theo xu hướng bền vững, tận dụng không gian xanh và tài nguyên hiệu quả.
Tại Lễ công bố và trao Quyết định đầu tư, Công ty ETC cho biết, hoạt động của Dự án sẽ tập trung vào việc nghiên cứu đưa những công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực phần mềm trên thế giới, triển khai áp dụng cho các phần mềm quản lý điều hành, vận hành sản xuất, phát triển khách hàng, cung cấp dịch vụ và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải, dịch vụ công.
Các công nghệ được nhà đầu tư tập trung đầu tư bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích dự báo, tính toán hiệu năng cao, điện toán đám mây, phần mềm nhúng, IoT và một số công nghệ nền tảng hỗ trợ, phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Thị trường mục tiêu của dự án ưu tiên tiêu thụ trong nước, tạo nguồn cung tại chỗ, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hướng tới phát triển thương hiệu mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 83 dự án được chấp thuận đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với Tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,3 tỷ đô la Mỹ trên diện tích khoảng 300 hecta. Tổng số người lao động và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 15.000 người.
Dự án dự kiến bao gồm: Khu phát triển phần mềm phổ thông, bao gồm một tòa nhà 06 tầng, một tòa nhà 20 tầng, Khu nghiên cứu phát triển phần mềm công nghệ cao, Trung tâm giới thiệu và hỗ trợ sản phẩm, Khu trung tâm dữ liệu và các khu vực nhà nghỉ, nhà ăn cho chuyên gia với diện tích xây dựng tổng cộng dự kiến khoảng 14.400 m2, diện tích sàn xây dựng dự kiến khoảng hơn 100.000 m2. Sau khi Dự án đi vào giai đoạn ổn định, doanh thu dự kiến mang lại là khoảng 1.700 tỷ đồng/năm.
Thanh Bình