Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 CCN được thành lập với diện tích 472,675 ha, trong đó có 8 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 275,075 ha và có 43 doanh nghiệp và 393 cơ sở sản xuất đầu tư trong CCN với tỷ lệ lấp đầy đạt 64,6%.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động của các CCN còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Điều này, đã được Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh về hoạt động của các Khu, CCN trên địa bàn tỉnh chỉ rõ. Đó là hiện nay, vẫn còn có 4 CCN chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật như CCN-TTCN Hòa Bình; CCN-TTCN Đăk Ruồng, CCN Đăk Sút, CCN-TTCN Sa Thầy.

Trong khi đó, hạ tầng tại một số CCN xuống cấp nhưng công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên như các CCN ở TP Kon Tum, CCN Đăk La, CCN-TTCN làng nghề thị trấn Đăk Hà. Và đặc biệt, có 6/8 CCN đang hoạt động chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.

Cần có nhiều giải pháp thu hút nhà đầu tư vào cụm công nghiệp (Ảnh: HN)

Đơn cử như CCN Đăk La (tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà) có diện tích 50 ha, chỉ cách trung tâm thành phố Kon Tum hơn 10 km, có vị trí khá đẹp và nằm cạnh QL14, con đường giao thông huyết mạch của Tây Nguyên, dù đã được thành lập đã hơn 10 năm, nhưng đến nay, CCN Đăk La mới chỉ có 7 doanh nghiệp thuê đất, tỷ lệ lấp đầy mới khoàng 40% diện tích.

Theo đơn vị quản lý, khó khăn lớn nhất của CCN Đăk La được quy hoạch diện tích 50 ha, tuy nhiên, phần lớn diện tích trong CCN này chưa được giải phóng mặt bằng, hiện trạng đất chủ yếu đang là cây công nghiệp của người dân đang canh tác. Các nhà máy được xây dựng trong CCN hiện xen kẽ trong rẫy của người dân. Đây là vấn đề khó cho huyện Đăk Hà để thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động trong CCN.

Ngoài ra, CCN Đăk La được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung với số vốn hơn 20 tỷ đồng, quy mô 500 m3/ngày đêm, nhưng hiện nay mới chỉ một doanh nghiệp trong CCN đấu nối để xử lý nước thải. Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà (đơn vị quản lý CCN Đăk La), từ khi công trình xử lý nước thải vận hành, chỉ có 1/7 doanh nghiệp đang hoạt động tại CNN sử dụng hệ thống xử lý nước thải này. Tuy nhiên, lượng nước thải quá ít, không đủ tính tiền, nên đơn vị không thu được tiền xử lý nước thải của doanh nghiệp này.

Cũng bởi lẽ đó, đồng hồ đo lượng nước thải của công trình cũng không được lắp đặt mà phải cất vào kho. Điều đáng nói, trong khi không thể thu được tiền xử lý nước nhưng để duy trì hoạt động của nhà máy xử lý nước thải trong CCN, đơn vị quản lý hàng tháng phải tự bỏ ra hàng chục triệu đồng để trả chi phí vận hành, bảo vệ.

Cụm CN Đăk La nằm ngay Quốc lộ 14 nhưng vẫn thu hút ít doanh nghiệp đến đầu tư (Ảnh: HN)

“Hệ thống xử lý nước thải đầu tư không hiệu quả, chi phí vận hành lại tốn kém. Hiện mỗi tháng, nếu hệ thống xử lý nước thải hoạt động, Ban phải mất từ 17 đến 22 triệu đồng chi phí vận hành. Để giải quyết khó khăn, Ban đã kiến nghị xin kinh phí để vận hành nhưng chưa được giải quyết”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà cho biết.

Ngoài CCN Đăk La, tại CCN-TTCN thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) và CCN và dịch vụ 24/4 (huyện Đăk Tô) có một số trường hợp sử dụng đất để ở, sai ngành nghề kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng chậm thu hồi. Còn CCN-TTCN làng nghề thị trấn Đăk Hà được đầu tư hệ thống xử lý nước thải khu giết mổ tập trung đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Đặc biệt, dù đã hoạt động hơn chục năm nay, nhưng đến nay, CCN-TTCN làng nghề thị trấn Đăk Hà vẫn chưa có quyết định thành lập.

Không chỉ vậy, tại CCN Kon Plông, mặc dù đã tiến hành rà phá bom mìn, đầu tư hạ tầng hàng tỷ đồng, nhưng hiện không có dự án nào hoạt động. Được biết, lý do bởi vị trí CCN này thuộc quy hoạch cũ, huyện đang điều chỉnh quy hoạch, trong đó, sẽ không làm CCN tại vị trí cũ nữa mà đưa CCN ra xây dựng vị trí khác.

Các vấn đề bất cập tại các CCN ở tỉnh đang là nguyên nhân gây lãng phí và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương. Chính những hạn chế, bất cập khiến việc kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh vào hoạt động tại các CCN trên địa bàn là hết sức khó khăn.

Để khắc phục những bất cập tại các CCN trên địa bàn, UBND tỉnh  đã giao Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với Sở KH&ĐT hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính, tín dụng. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các đơn vị rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính và đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Thiết nghĩ, để CCN thực sự phát huy hiệu quả, thì cũng cần chú trọng đầu tư hạ tầng tại các CCN, làm tốt công tác đền bù, có mặt bằng sạch và có chính sách thu hút nhằm thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất trong các CCN… qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển. 

H. Thủy (Nguồn: https://www.baokontum.com.vn/)