Hệ thống siêu thị Tomita Mart thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Trang trại Tomita Việt Nam, là một trong những thương hiệu lớn với quy mô 7 cơ sở nằm trên khắp địa bàn Hà Nội. Hệ thống này có tới 6 siêu thị đang hoạt động và 1 siêu thị tại Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy đang được tháo dỡ.
Trên Webste http://www.tomitamart.vn/ quảng cáo sản phẩm, phần Chứng chỉ & chứng nhận nêu rõ: “Hệ thống siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart được lựa chọn và kiểm soát kỹ càng từ nguồn gốc xuất xứ, các chứng chỉ/chứng nhận phù hợp ứng với từng loại hàng hóa”.
Trên Facebook của hệ thống Tomita Mart https://www.facebook.com/tomitamart/about/?ref=page_internal giới thiệu “Hệ thống siêu thị thực phẩm cao cấp, chuyên cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát kỹ lưỡng theo quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt”.
Tuy nhiên, trái ngược lại với những nội dung quảng cáo trên website và trên Facebook, theo phản ánh của người tiêu dùng, siêu thị Tomita Mart – Thực phẩm cao cấp thuộc chuỗi siêu thị Tomita Mart ở khu vực các quận của Thủ đô Hà Nội, từ lâu đã bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên các mặt hàng thực phẩm không có dấu kiểm dịch, sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt... Điều này gây nghi ngờ lớn cho người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm.
Người tiêu dùng bức xúc phản ánh đến Thương hiệu & Công luận về việc nhiều sản phẩm, thực phẩm trong hệ thống siêu thị Tomita Mart tại 6 cơ sở ở Hà Nội gồm: A2-SO.05 Vinhomes Gardenia Hàm Nghi, Cầu Diễn; N8A5 Nguyễn Thị Thập, Thanh Xuân; Tòa 901, chung cư Starlake - khu đô thị Tây Hồ Tây, Bắc Từ Liêm; Sảnh S1.05, 01SH12 Vinhomes Smart City Tây Mỗ, Nam Từ Liêm; S2-1001S16 và S2-1001S19 Vinhomes Ocean Park Gia Lâm được cho là siêu thị thực phẩm cao cấp, hàng nhập khẩu uy tín - chất lượng nhưng trên các sản phẩm, thực phẩm lại không cơ sở nhập khẩu, không nhãn phụ bằng Tiếng Việt; Thực phẩm thì không có dấu kiểm dịch, ngày sản xuất - NSX và hạn sử dụng - HSD… vẫn được siêu thị bày bán.
Để xác minh thông tin phản ánh, PV Thương hiệu & Công luận đã tìm đến 04 trong 06 cơ sở của hệ thống siêu thị Tomita Mart tại TP. Hà Nội để "mục sở thị" và đã ghi nhận tại 4 cơ sở nói trên, đúng như những gì người tiêu dùng phản ánh.
Nhiều sản phẩm trắng thông tin, không nhãn phụ tiếng Việt
Ngày 05/04, PV Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế siêu thị Tomita Martcó địa chỉ tạiA2-SO.05 Vinhomes Gardenia, Hàm Nghi,Cầu Diễn, Hà Nội. Theo quan sát của PV, siêu thị này bày bán nhiều hàng hóa, sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu hàng trốn thuế…
Trong đó, hoa quả nhập khẩu, thực phẩm đông lạnh, rau - củ - quả thì "trắng thông tin", không có thông tin nơi sản xuất, hạn sử dụng... Các mặt hàng tiêu dùng như: Các loại sữa, mỹ phẩm hàng xách tay, bánh kẹo, nước uống, đồ ăn nhanh… cũng xảy ra tình trạng không tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định về nhãn hàng hóa.
Tại quầy hàng bày bán thực phẩm đông lạnh của siêu thị này, có một số sản phẩm được bày bán như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá không có tem nhãn thể hiện nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói, ngày hết hạn? Như vậy, trên sản phẩm không ghi thông tin của sản phẩm rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, rất khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Từ đây, người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu chất lượng sản phẩm có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ và làm thế nào để biết sản phẩm đó có thời hạn bao lâu?
Ghi nhận tại khu vực bày bán hoa quả, các sản phẩm như: Bưởi, sầu riêng, việt quất xanh… cũng không có tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, trọng lượng…
Một số sản phẩm trà được cho là hàng nhập khẩu cũng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Cụ thể, Trà Thanh yên mật ong Damizle (Hàn Quốc), trà Basilur tea, trà Richard Geylon Nga, trà Richard Royal Tea, trà Beta Tea Deepest Love hình trái tim Nga… cũng không được siêu thị Tomita Mart dán tem nhãn phụ thể hiện bằng tiếng Việt.
Chưa dừng lại ở đó, một số mặt hàng tiêu dùng như: Kem đánh răng, mỹ phẩm cũng không có tem nhãn phụ thể hiện bằng Tiếng Việt như: Sản phẩm kem đánh răng White & White, Aquafresh, Perl Weiss, Theramed Fresh Mint, Median (Hàn Quốc)…và nước súc miệng Propolinse Dental Whitening, nước súc miệng Crest Pro Health Advanced của mỹ.
Sữa tắm, dung dịch vệ sinh, sửa rửa mặt… đến thuốc nhuộm tóc Bigen cũng không có nhãn phụ thể hiện bằng tiếng Việt…
Đa số các sản phẩm ở đây đều không hiển thị đầy đủ thông tin về sản phẩm, thành phần, cách dùng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất, chỉ định đối tượng dùng…
Như vậy, từ vấn đề trên, việc nhiều sản phẩm không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng, trên sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt… khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy thì những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua? Là một trong những thương hiệu lớn, siêu thị Tomita Mart bán rất nhiều sản phẩm không có tem nhãn, tem phụ… dành cho trẻ nhỏ và gia đình. Liệu rằng, những sản phẩm trên có thực sự an toàn đối với sức khoẻ của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm?
“Mập mờ” thông tin về hàng hoá, nhân viên bán hàng không biết trả lời?
Để thông tin được khách quan hơn, chúng tôi tiếp tục tìm đến siêu thị Tomita Mart có địa chỉ Toà 901, chung cư Starlake - khu đô thị Tây Hồ Tây, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội để ghi nhận thực tế. PV nhận thấy, cả 02 siêu thị đều bày bán nhiều hàng hóa, nhãn mác sản phẩm ghi bằng chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Phần lớn các mặt hàng không tem nhãn phụ là những sản phẩm mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội, trà uống, đồ hộp,..
Đáng nói, cả 02 siêu thị này còn bày bán thực phẩm không có tem nhãn. Tại siêu thị Tomita Mart chung cư Starlake có vẻ khá hơn, những sản phẩm thịt lợn được cơ sở này tự làm “tem nhãn” bằng cách tự ghi tên sản phẩm và dán lên sản phẩm, nhưng trên sản phẩm vẫn không hề có đơn vị phân phối, trọng lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng…
Cầm sản phẩm cá cắt khúc trên tay, PV hỏi nhân viên quầy bán sản phẩm đông lạnh về NSX và HSD thì nhân viên bán hàng trả lời: “Sản phẩm em mới làm từ sáng, và sản phẩm này để 02-03 ngày cũng được…”. Tuy nhiên, câu trả lời này lại trái ngược với câu trả lời của nhân viên siêu thị Tomita Mart Vinhomes Gardenia, Hàm Nghi “sản phẩm cá có hạn sử dụng trong ngày…”
Như vậy, với một sản phẩm liên quan đến hạn sử dụng mà có đến 02 câu trả lời khác nhau từ nhân viên bán hàng của Tomita Mart. Người tiêu dùng biết tin vào câu trả lời nào? Người tiêu dùng hoang mang, đến chính nhân viên bán hàng còn không biết sản phẩm được sử dụng bao nhiêu ngày thì người tiêu dùng biết tin tưởng vào đâu để lựa chọn, sử dụng sản phẩm, thực phẩm của hệ thống siêu thị này…?
Việc bày bán các sản phẩm hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các thực phẩm liên quan đến ăn uống trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ thậm chí là cả tính mạng của người tiêu dùng.
Ghi nhận tại quầy hoa quả được cho là nhập khẩu như: Táo, nho khô… được cơ sở này đựng vào trong khay, phủ 1 lớp màng bọc mỏng mà không hề có đơn vị cung cấp, nhập khẩu phân phối, ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng được bày lên kệ.
Không chắc chắn về những sản phẩm tại cửa hàng do không có tem nhãn, chúng tôi cầm điện thoại lên quét mã QR thì một nhân viên cửa hàng nói: “Anh thông cảm, ở đây không được chụp ảnh…”.
Thiết nghĩ, với hệ thống siêu thị Tomita Mart có nhiều sản phẩm không có đầy đủ tem nhãn, sản phẩm mang toàn tiếng nước ngoài... việc cầm điện thoại lên tra tên sản phẩm, cách thức sử dụng hoặc quét mã QR là điều hết sức bình thường? Vậy siêu thị này có quyền gì mà cấm người tiêu dùng tra thông tin, quét mã QR? Từ sự việc trên, người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm: Sản phẩm có vấn đề gì mà siêu thị này lại cấm người tiêu dùng cầm điện thoại…?
Đáng nói, khi chúng tôi hỏi nhân viên bán hàng “đây là sản phẩm gì” - do trên sản phẩm toàn tiếng nước ngoài, thì nhân viên đó nói “nước tẩy lồng máy giặt”. PV thắc mắc, trên sản phẩm không có tem nhãn bằng tiếng Việt thì người tiêu dùng biết sử dụng như thế nào thì nhân viên bán hàng lặng im? Như vậy, nhân viên bán hàng không biết trả lời như thế nào hay làm ngơ câu hỏi của người tiêu dùng?
Từ sự việc nêu trên của 02 cơ sở Tomita Mart, câu hỏi được nhiều người tiêu dùng đặt ra là: Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...
Cơ quan chức năng sẽ nói gì về vấn đề một số sản phẩm bày bán tại siêu thị lớn này lại không ghi rõ thông tin HSD và không rõ tem nhãn phụ tiếng Việt? Câu hỏi xin được chuyển đến người quản lý siêu thị Tomita Mart cũng như bà Trần Thị Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Tomita Việt Nam.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Lê Pháp – Minh An
Còn nữa