Chính sách đồng bộ hướng tới sự ổn định lâu dài
Trong giai đoạn 2021-2025, Lào Cai thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Dự án 1 thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành trọng tâm, tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND, quy định một số nội dung về hỗ trợ đất ở và định mức đất sản xuất, để thực hiện Chương trình. Theo đó, quy định cụ thể về diện tích hỗ trợ tối thiểu và tối đa cho các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình, được xác định theo các khu vực. Đối với đất sản xuất, quy định cụ thể định mức, hệ số quy đổi giữa các loại đất và cách xác định hộ dân thiếu đất sản xuất cho các loại đất.
Đối với Dự án 1, năm 2023, tỉnh hỗ trợ đầu tư nhà ở cho 119 hộ dân; đã giải ngân 19.386 triệu đồng để đầu tư 26 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3.560 hộ dân; hỗ trợ cho 163 hộ dân mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất; hỗ trợ 4.883 téc nước, bồn chứa nước và 4.825m ống dẫn nước cho 4.883 hộ dân; hỗ trợ cho vay đất ở 2.410 triệu đồng cho 49 người, nhà ở 9.807 triệu đồng cho 247 người, chuyển đổi nghề 33.276 triệu đồng cho 408 người.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, Lào Cai vẫn gặp không ít khó khăn trong triển khai. Địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích khiến quỹ đất phù hợp để phân bổ cho người dân trở nên rất hạn chế. Các khu vực còn quỹ đất thường nằm ở những vùng núi đá, địa hình phức tạp, khó tiếp cận và không thể canh tác nông nghiệp.
Một thách thức khác là vấn đề đo đạc và quản lý đất lâm nghiệp. Hiện nay, đất lâm nghiệp chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh, nhưng phương pháp xét đoán ảnh hàng không lại chưa đủ chính xác. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), gây ra nhiều tranh chấp và khiếu kiện kéo dài.
Để giải quyết bài toán này, từ năm 2017, Lào Cai đã triển khai Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Đề án tập trung đo đạc, cắm mốc và lập hồ sơ địa chính, sau đó giao lại quỹ đất cho các địa phương quản lý và sử dụng. Đây là một bước đi chiến lược, giúp mở rộng quỹ đất để phân bổ cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở hoặc thiếu đất sản xuất.
Giải pháp đồng bộ và định hướng tương lai
Trước những thách thức lớn, Lào Cai đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất:
Đẩy mạnh đo đạc và chuẩn hóa hồ sơ địa chính: Tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để áp dụng các công nghệ đo đạc hiện đại hơn, như viễn thám hoặc máy quét laser (LiDAR), nhằm nâng cao độ chính xác và giảm thiểu sai sót;
Hỗ trợ đồng bộ các chính sách về đất đai và sinh kế: Lào Cai không chỉ tập trung vào cấp đất ở, đất sản xuất mà còn hỗ trợ đồng bào phát triển các mô hình sinh kế bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên; ví dụ, chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả hay phát triển du lịch sinh thái cộng đồng;
Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương: Các cấp ủy, chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, hỗ trợ triển khai chính sách và giải quyết các vướng mắc; việc tham mưu và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, sẽ giúp đảm bảo sự đồng bộ trong thực hiện;
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Song song với các giải pháp kỹ thuật, tỉnh còn đặc biệt chú trọng thay đổi nhận thức của người dân về quyền sử dụng đất và chính sách đất đai; qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào, giúp họ chủ động sử dụng đất hiệu quả hơn.
Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh hiệu quả thực hiện giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình đối với đồng bào DTTS, cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định và điều kiện thực tế của địa phương, ngày 9/11/2024, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 21/2024/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết, chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, gồm: Hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở; hỗ trợ đất nông nghiệp; hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Về nguyên tắc hỗ trợ: Việc xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; cá nhân được hỗ trợ phải sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp đối tượng áp dụng chính sách quy định tại nghị quyết này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác của cấp có thẩm quyền thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.
Trường hợp các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này đã đề nghị hỗ trợ đất ở theo các chương trình khác trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, nhưng chưa được hỗ trợ đất ở thì được thực hiện theo quy định tại nghị quyết này.
Hiệu quả bước đầu và những kỳ vọng
Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Tính đến nay, tỷ lệ đo đạc và lập bản đồ địa chính của Lào Cai đã đạt trên 95%, là một bước tiến lớn trong quản lý đất đai. Hàng ngàn hộ gia đình đã được cấp GCNQSDĐ, ổn định đời sống và có cơ hội phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo các chính sách đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương, đặc biệt là về tài chính và cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng quỹ đất, ưu tiên giải quyết các trường hợp cấp bách và phân bổ nguồn lực hợp lý cho các vùng đặc biệt khó khăn.
Quan trọng hơn cả, các chính sách đất đai ở Lào Cai không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ về vật chất mà còn hướng tới mục tiêu lớn hơn: giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin làm chủ cuộc sống. Việc đảm bảo đất ở và đất sản xuất không chỉ là đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn là đòn bẩy để người dân thoát nghèo bền vững, hướng tới một tương lai phát triển toàn diện.
Với các bước đi chiến lược và sự quyết tâm từ chính quyền địa phương, Lào Cai đang chứng minh rằng, những khó khăn về đất đai và sinh kế hoàn toàn có thể vượt qua nếu có sự đồng lòng, sáng tạo và khát vọng vươn lên. Đây chính là minh chứng cho sự bền bỉ của một địa phương, nơi "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nguyễn Mạnh