Kết luận của thanh tra Xây dựng
Làm bừa từ trên xuống dưới
Theo Kết luận thanh tra số 441-KLTtr của Thanh tra Bộ Xây dựng thì Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư dự án “Thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng – Đồi Mồi” có tổng mức đầu tư 149,6 triệu USD. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011.
Dự án có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với công suất thu gom ban đầu tối đa là 0,9 triệu m3 khí/ngày, tương đương khoảng 328 triệu m3 khí/năm. Dự án bao gồm các hạng mục chính như hệ thống ống dẫn khí, giàn nén khí và blok nhà ở.
Đến năm 2015, PVN giao cho PV GAS tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau với 100% vốn đầu tư từ Tổng PV GAS. Dự án bao gồm việc đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, khi lập, thẩm định, phê duyệt “dự án đầu tư công trình Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau” thì PVN chấp thuận chủ trương và chủ đầu tư xây dựng công trình khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án này vào quy hoạch ngành theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 6, NĐ 12/2009/ NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư.
Nghiêm trọng hơn. với vai trò chủ đầu tư, trong khi thực hiện dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau, lãnh đạo PV Gas còn bị xác định là “phớt lờ” quy định của pháp luật để rồi tự tiện lập, thẩm định, và phê duyệt các chi phí không có cơ sở, thậm chí tính 02 lần thuế giá trị gia tăng làm tăng tổng mức đầu tư số tiền lên tới gần 74 tỷ đồng. Tương tự, tại dự án “Mở rộng hệ thống thu gom khí Mỏ rồng- Đồi Mồi”, lãnh đạo PV Gas cũng phê duyệt các chi phí “bừa bãi”, tính 02 lần thuế giá trị gia tăng làm tăng tổng mức đầu tư số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng.
Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hạng mục công trình, PV Gas đã “vẽ thêm” chi phí thuê tư vấn quản lý dự án, giám sát dự án, tính 02 lần thuế giá trị gia tăng, tính “thừa” thuế nhập khẩu dẫn đến phê duyệt sai, tăng dự toán xây dựng công trình số tiền hơn 60 tỷ đồng.
Đối với công tác đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng thì PVN và PV Gas cũng để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại tài sản nhà nước. Cụ thể, PVN ban hành văn bản 2392/DKVN-TCKT chỉ đạo PV Gas miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho Tổng Cty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) tại dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau. Việc làm trên của PVN bị xác định vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu và Nghị định 48/2010/NĐ-CP quy định về hợp đồng xây dựng.
Đáng lưu ý hơn, PV Gas khi thực hiện các dự án trên đã không thực hiện giảm tiết kiệm giá gói thầu đến giá trị tối thiểu đối với PVC (theo quy định của PVN đối với các gói thầu chỉ định thầu trong ngành). Từ việc làm sai trái trên, PV Gas đã ký hợp đồng và thanh quyết toán cho PVC sai số tiền trên 11 tỷ đồng.
Đối với công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư thì trong vai trò là chủ đầu tư các dự án nêu trên, lãnh đạo PV Gas đã chỉ đạo tính sai, tăng chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, “nâng vống” khối lượng nghiệm thu so với bản vẽ hoàn công ở một số hạng mục dẫn đến thanh quyết toán sai trên 50 tỷ đồng.
Vì sao chưa xem xét xử lý Đảng viên?
Lâu nay, trong nhiều vụ án, các cấp ủy Đảng thường lúng túng khi xử lý cán bộ, đảng viên liên quan tới những vụ hình sự, án kinh tế. Khi chưa có kết luận điều tra hoặc khi vụ án chưa được khởi tố thì việc xử lý, truy cứu trách nhiệm thường khó khăn. Các đơn vị thường có tâm lý chờ đợi các cơ quan tố tụng kết luận, có bản án hoặc có quyết định điều tra, khởi tố mới xử lý cán bộ.
Tuy nhiên, với các trường hợp vi phạm trên, chưa bàn đến xử lý theo pháp luật, cấp ủy Đảng các cấp có thể xử lý đảng viên vi phạm theo Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, Điều 8 của quy định này về việc Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ qui định rõ vi phạm:Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.
Với việc để xảy ra vụ “nâng khống” các số liệu khiến nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại PV Gas , có thể thấy hậu quả hết sức nghiêm trọng và đã đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm về Đảng của cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu.
Cụ thể, Điều 7 của Nghị định 211/2013/NĐ-CP về hình thức xử lý kỷ luật nêu rõ: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật”
Dư luận cho rằng, đã đến lúc cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp tại PVN phải khẩn trương kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, không thể đơn giản, bỏ qua, đợi chờ kết luận điều tra hoặc có bản án mới xử lý.
Kỳ II “Đặt lịch làm việc với PVN và cơ quan Thanh tra”
Nhóm phóng viên