Giáo sư Đại học Waseda Nhật Bản, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Văn Thọ cho rằng, Việt Nam có lợi thế thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong sản xuất chip bán dẫn.
Theo Giáo sư Thọ, về cơ chế, chính sách, Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, có mức độ cạnh tranh cao. Nhưng các nước xung quanh cũng không đứng nhìn chúng ta làm, mà họ cũng liên tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn FDI chất lượng cao, đầu tư vào những ngành chế biến, chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Chính sách đất đai của Việt Nam thông thoáng, cởi mở, dễ tiếp cận hơn sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2024. Tuy nhiên, khác với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác, sản xuất chip không cần nhiều diện tích, không cần nhiều mặt bằng.
Hệ thống giao thông ngày càng được tập trung đầu tư cùng với đầu tư công ngày càng được quan tâm, nên chúng ta có lợi thế hơn một số nước khác. Nhưng trong ngành bán dẫn, việc vận chuyển, chi phí logistics chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ so với giá trị hàng hóa.
Việt Nam được biết đến là quốc gia sở hữu lượng đất hiếm (nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất chip bán dẫn cũng như các thiết bị điện tử) khá lớn. Vấn đề này tôi không được rõ, nhưng nếu có thì cũng không hẳn là lợi thế, vì nếu không có hoặc thiếu, thì doanh nghiệp FDI có thể nhập khẩu.
Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh: Lợi thế của Việt Nam so với các nước khác là trong 02 năm qua là đã thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với 04 cường quốc kinh tế, công nghệ, công nghiệp gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và mới đây nhất là Australia, nâng tổng số các nước đặt mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam lên con số 7 (cùng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ). Đây là điều các nước khác khó có thể làm được.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (chưa tính 03 hiệp định đang đàm phán), đặc biệt là 02 “hiệp định vàng” là EVFTA và CTPPP. Đây là điều các nước có muốn cũng còn lâu mới ký kết được. Và lợi thế thứ ba là nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày một cải thiện.
Về nguồn nhân lực, Giáo sư Trần Văn Thọ bày tỏ: Việc đào tạo khoảng 100.000 kỹ sư chất lượng cao cho ngành công nghệ cao đến năm 2030 là mệnh lệnh, phải thực hiện bằng được. Đội ngũ giảng viên trong nước nói thẳng là không đủ để đào tạo, vậy phải có ngay các cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, đặc biệt người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia đào tạo.
"Tôi đã và đang tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới, nên có thể khẳng định, có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc, đào tạo liên quan đến công nghệ cao, khoa học máy tính, chip bán dẫn. Cần phải thu hút được lực lượng này về nước tham gia giảng dạy", Giáo sư Thọ nói.
Ngành công nghệ cao, ngoài đòi hỏi vốn lớn, thì nhân lực phải đạt chất lượng cao. Hiện Việt Nam đúng là có lợi thế hơn nhiều nước trong thu hút FDI vào lĩnh vực này, nhưng cơ hội sẽ nhanh chóng trôi qua như khi nó đến, nếu Việt Nam không tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư ngành công nghiệp chip bán dẫn không còn là kế hoạch, là mục tiêu, mà là mệnh lệnh. Nhà đầu tư nước ngoài không chờ Việt Nam đáp ứng đủ nguồn nhân lực. Các nước trong khu vực không đứng nhìn Việt Nam, mà cũng đã, đang và rất tích cực tạo mọi điều kiện để thu hút FDI vào ngành công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn.
Xuân Hải (t/h)