Mới đây, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quy định mức thuế cao hơn đối với công dân có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Được biết, luật sửa đổi này nhằm giải quyết vấn nạn đầu cơ đất đai, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi thông qua việc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, cùng đó là các đối tượng chính sách.
Trước những chính sách mới này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận xét, quy định này sẽ có tác động tích cực hơn về việc đánh thuế cao với công dân có nhiều nhà, đất ở. Mặt khác, những nhóm đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương như nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng được nhận những ưu đãi. Việc đánh thuế nhà, đất cao cũng sẽ giúp ngân sách Nhà nước có được nguồn đóng góp lớn từ người dân.
Ông Võ nhấn mạnh, việc tăng thuế đất không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách nó, đặc biệt là với những đối tượng sở hữu nhiều nhà ở, đất đai. “Nghĩa là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất. Đặc biệt là những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng”, ông Võ đánh giá.
Cần đánh thuế cao vào căn thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, đồng thời, tăng thuế đất lên một khung giá cụ thể. Hành động này sẽ khiến vấn nạn “sốt đất” được chấm dứt, giúp giá nhà, đất bình ổn trở lại.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng đồng tình với quan điểm trên khi nhận định, thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Theo đó, ở góc độ thị trường, việc đánh thuế đối với người có nhiều nhà đất không ở đưa vào sử dụng sẽ tạo áp lực buộc người sở hữu phải tính toán là có đủ sức để găm giữ hay không, nếu không đủ nguồn lực thì phải đưa vào sử dụng, cho thuê và cuối cùng là chuyển nhượng.
Điều này khiến nguồn cung về giá nhà tăng thêm, giúp kéo giảm giá nhà. Hiện, thị trường bất động sản bị mất cân bằng cung cầu và lệch pha về phân khúc. Việc đánh thuế nhà sẽ giúp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại đô thị có cơ hội mua nhà.
Mức thuế như thế nào thì hợp lý?
Dù nhiều chuyên gia đồng tình với việc đánh thuế cao người sở hữu nhiều đất, nhà song việc đánh thuế mức nào và đối tượng ra sao để bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế mới là điều đáng chú ý.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, ý tưởng đánh thuế vào nhóm đối tượng trên vốn đã có dự thảo từ lâu nhưng cần thời gian để thiết kế lộ trình và khung pháp lý hoàn chỉnh, chặt chẽ.
Để thực hiện, người đầu tư cần minh bạch thu nhập, giao dịch đất đai phải được chuyển tiền qua ngân hàng, cũng như chứng minh được thu nhập hợp pháp với nguồn tiền mua nhà. Bên cạnh đó, đánh thuế phải theo giá trị tài sản hay số lượng tài sản cũng cần rõ ràng, bởi một căn nhà vị trí đẹp hoặc diện tích lớn có khi bằng cả chục căn nhà khác nếu xét về giá trị.
Vị chuyên gia này cũng nêu ra những nhận định về vấn đề đánh thuế nhà bỏ hoang. Theo đó, việc đánh thuế này sẽ rất khó và mơ hồ bởi xét khung pháp lý để thực hiện điều này cần phải dựa trên các luật nghị định liên quan chứ không phải tự nhiên đưa ra được. Ông Toản cũng cho rằng, giá đất sẽ không giảm, còn đầu cơ đất lại không thiếu cách để “lách luật”. Nếu xét về đầu cơ thì cá nhân nhỏ lẻ không đáng kể mà tập trung ở nhóm nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Bởi vì, thuế chỉ đánh vào cá nhân còn doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thì họ làm theo Luật Doanh nghiệp nên không thể đánh được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng bày tỏ, theo đó, đánh thuế phải căn cứ vào diện tích, giá trị, quản lý chặt chẽ, không được tận thu, và phải đánh đúng đối tượng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế phải phân định và cơ chế rõ ràng, đặc biệt lưu tâm đến những trường hợp đã có mảnh thứ nhất nhưng nhỏ, và có tiền mua mảnh thứ hai. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chưa có đủ để xây nhà, liệu có bị đánh thuế tài sản hay không. Và việc đánh thuế thì nên đánh như thế nào, hay như một gia đình với nhiều thế hệ sống trong căn nhà nhà thứ nhất có diện tích nhỏ, họ mua căn nhà thứ hai to hơn, có bị đánh thuế không trong khi việc mua nhà thứ hai này hoàn toàn chính đáng.
Hồng Nhung (t/h)