Việt Nam thu hút "ông lớn" công nghệ cao, công nghiệp điện tử đến đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển bởi nhiều lý do. Theo các chuyên gia kinh tế thế giới và Việt Nam thì, do an ninh, chính trị của Việt Nam ổn định, an toàn. Nhà nước luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Nhân công ngày càng được cải thiện về chất lượng và giá thành rẻ...

Nhà máy Samsung tại Việt Nam. Ảnh internet
Nhà máy Samsung tại Việt Nam. Ảnh internet.

Với những lý do trên, nhiều "ông lớn" đã liên tiếp đầu tư, tăng vốn cho các kế hoạch phát triển kinh doanh của họ tại Việt Nam. Không chỉ Samsung, với kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay và 2 tỷ USD trong số đó đã được hiện thực hóa, mà lần lượt Foxconn, Luxshare, Goertek, rồi Intel, LG… đều đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2021, LG hai lần tăng vốn ở Nhà máy LG Display. Foxconn sau khi đầu tư thêm 270 triệu USD, đang có kế hoạch chi tiếp ngân khoản 300 triệu USD để mở rộng nhà máy và rất có thể, sẽ sản xuất iPad, Apple Watch tại Việt Nam. Goertek cho đến nay đã nhanh chóng nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD.

Trong một báo cáo gần đây gửi các nhà đầu tư, JP Morgan đã nhấn mạnh, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử. Cũng chính công ty này dự báo, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Nhận định về xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhảy” vào Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn hàng đầu về công nghệ, như Intel, Samsung hay LG…, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, đó là “xu hướng tích cực”.

Ảnh internet
Ảnh internet.

“Điều này cho thấy, không chỉ nhà đầu tư đã đầu tư có đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam, mà cả các nhà đầu tư tiềm năng cũng đánh giá cao tính ổn định của chúng ta. Việt Nam sắp tới không chỉ thu hút vốn đầu tư vào các ngành truyền thống, mà còn vào những ngành ‘hot’ trên thế giới như sản xuất chip công nghệ. Cơ hội sẽ mở ra để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu”, GS.TSKH. Nguyễn Mại nói.

Ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á cho rằng, một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao. Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất đang được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc + 1. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ, điện tử đầu tư vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những “cứ điểm” sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới. Và vì thế, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội tham gia sâu rộng chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thực tế, đây cũng chính là kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, được ban hành. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng. Khá nhiều doanh nghiệp Việt đã được hưởng các cơ chế ưu đãi này. 

Thạch Thảo (t/h)