Thương hiệu & Công luận đã thông tin, qua quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ tài chính đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại VNPT và các đơn vị trực thuộc; có 3/5 đơn vị được thanh tra chưa góp đủ vốn điều lệ được phê duyệt; VNPT và đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ, nguy cơ mất vốn hơn 637 tỷ đồng; về công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, có 27 dự án chậm tiến độ, phải dừng hoặc giãn tiến độ, gây tổn thất lớn về kinh tế…
Đặc biệt, về công tác nghiệm thu và thanh toán vốn đầu tư dự án, Thanh tra Bộ Tài chính còn phát hiện tại một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của VNPT có dấu hiệu kê khai không đúng sự thật. Theo hợp đồng, thiết bị phải được nhập khẩu từ Mỹ, Canada, nhưng thực tế lại là hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện tại một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của VNPT có dấu hiệu kê khai không đúng sự thật
Thanh tra Bộ Tài chính nêu rõ, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của VNPT có tổng mức đầu tư từ 70 tỷ đồng trở lên, đều do tập đoàn này phê duyệt, giao cho Tổng công ty Hạ tầng mạng thực hiện, quản lý. Qua kiểm tra 3 dự án cho thấy, một số vật tư thiết bị nhập có thay đổi xuất xứ nước sản xuất khác so với Hợp đồng đã ký.
Căn cứ nội dung xuất xứ nước sản xuất và đơn giá vật tư thiết bị trong hồ sơ dự thầu, Hợp đồng trúng thầu và thực tế nhập khẩu thiết bị (tại Tờ khai hàng hóa nhập khẩu thông quan và các Biên bản bàn giao thiết bị) cho thấy, chủ đầu tư đã nhập thay đổi xuất xứ nước sản xuất một số vật tư thiết bị với giá trị là 66.127,3 triệu đồng (trong đó, giá trị thiết bị là 2.783.532 USD - tương đương 60.115,7 triệu đồng).
Cụ thể, tại Dự án “Trang bị hệ thống vô tuyến 3G khu vực 7 tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone 2015” – Mã DA: 5615012: VNPT có Quyết định số 231/QĐ-VNPT-HĐTV-KHĐT ngày 2/10/2015 phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư là VNPT, trong đó giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Hạ tầng mạng phê duyệt dự toán và thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, triển khai thực hiện dự án.
Qua thanh tra, cho thấy: Tổng công ty Hạ tầng mạng ký Hợp đồng nhập khẩu thiết bị số 2015-NORTH/VNPT-CO/NOKIA-VNPT TECHNOLOGY ngày 15/11/2015, thiết bị NODER trong Hợp đồng có xuất xứ Nokia/Finland; theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) thì thiết bị này lại nhập từ CHINA; giá trị của thiết bị này đã thanh toán theo giá trúng thầu là 61.623,7 USD (tương ứng 1.383,4 triệu đồng).
Theo hợp đồng, thiết bị phải được nhập khẩu từ Mỹ, Canada, nhưng thực tế lại là hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia
“Dự án Trang bị hệ thống truyền dẫn Đông Bắc năm 2015 – Mã MA: 6515010”: Ngày 28/9/2015, VNPT có Quyết định số 226 phê duyệt dự án đầu tư; phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả trúng thầu; chủ đầu tư là VNPT. Đến ngày 15/6/2016, VNPT có Quyết định số 179/QĐ-VNPT-HĐTV-KHĐT về việc phê duyệt kết quản lựa chọn nhà thầu. Trong đó, có quy định: Tập đoàn giao cho Giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn khác của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, ký kết và triển khai hợp đồng theo đúng quy định”.
Qua thanh tra cho thấy: Tổng công ty Hạ tầng mạng ký Hợp đồng số 011072016-NORTHAST/VITEOC-VNPT NET/NISSHO-VINECO ngày 22/9/2016 nhập khẩu thiết bị có xuất xứ từ US, nhưng thực tế lại nhập từ MALAYSIA; Giá trị của thiết bị đã thanh toán là 80.033,96 USD (tương đương 1.782,3 triệu đồng).
Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của VNPT có tổng mức đầu tư từ 70 tỷ đồng trở lên, đều do tập đoàn này phê duyệt, giao cho Tổng công ty Hạ tầng mạng thực hiện, quản lý
Tương tự, tại “Dự án phát triển mạng vô tuyến các tỉnh phía Nam giai đoạn 2014-2015- Mã DA: 9014006”: VNPT có Quyết định số 126/QĐ-VNPT-HĐTV-ĐTPT-VT ngày 11/9/2014 phê duyệt dự án đầu tư; hồ sơ phê duyệt mời thầu và kết quả trúng thầu; chủ đầu tư là VNPT. Đến ngày 6/2/2015 VNPT có Quyết định số 13/QĐ-VNPT-HĐTV-ĐTPT-VT phê duyệt kết quả lựa trọn nhà thầu. Trong đó, quy định: “Tập đoàn giao cho Công ty Dịch vụ Viễn thông (bàn giao cho Tổng công ty Hạ tầng mạng tiếp quản sau khi thái cơ cấu Tập đoàn) chủ trì, tổ chức hoàn thiện, phê duyệt nội dung hợp đồng và ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn theo đúng các quy định hiện hành”.
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy: Công ty Dịch vụ Viễn thông ký Hợp đồng số 022015/VNP 3G 2100 ngày 10/4/2015 nhập khẩu thiết bị có xuất xứ G7/Country, Canada, nhưng thực tế lại nhập từ CHINA, THAILAND; giá trị của thiết bị này đã thanh toán theo giá trị trúng thầu là 2.641.874,3 USD (tương ứng 56.949,9 triệu đồng).
Về công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Thanh tra Bộ Tài chính chũng chỉ rõ: Công tác khảo sát thiết kế chưa sát với nhu cầu lắp đặt thiết bị vật tư của 10 dự án đầu tư đã phê duyệt, dẫn tới số lượng thiết bị vật tư mời thầu và mua về từ năm 2015 nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Đến thời điểm thanh tra (tháng 8/2017) Tổng công ty Hạ tầng mạng phải điều chuyển thiết bị vật tư dư thừa so với phê duyệt cho các Trung tâm hạ tầng mạng quản lý và sử dụng dần, trị giá là 33.829 triệu đồng (BQL dự án Hạ tầng 1 là 8.271 triệu đồng; BQL dự án Hạ tầng 2 là 25.558 triệu đồng).
Trong đó, Tổng công ty Hạ tầng mạng chuyển cho Trung tâm Hạ tầng mạng miền Bắc là hơn 4.936 triệu đồng; Trung tâm Hạ tầng mạng miền Nam là hơn 24.979 triệu đồng; Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung là hơn 3.912 triệu đồng.
Theo báo cáo của của Tổng công ty Hạ tầng mạng: Đến thời điểm 22/9/2017, tổng số vật tư còn lại tại các Trung tâm là hơn 10.070 triệu đồng.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ngọc Anh