Theo thông tin từ cục Y tế dự phòng( Bộ Y tế) trong tuần 13 năm 2018, cả nước ghi nhận 759 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Cà Mau. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 593 trường hợp. So với tuần 12, số ca mắc giảm 15%, so với cùng kỳ năm 2017 (1.381 trường hợp) số mắc giảm 45,2%.Năm 2018: Đã có 3 người tử vong do sốt xuất huyết - Hình 1

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng cho biết, số người bệnh sốt xuyết huyết có xu hướng giảm trong các tuần gần đây và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2018 tuy số mắc đang tăng cao nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (khoảng hơn 22.400 người mắc). Trong tuần qua có 24 địa phương không ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết, 38 địa phương ghi nhận số mắc giảm hoặc tương đương với tuần trước, 1 tỉnh ghi nhận số mắc tăng so với tuần trước là Bình Dương (tăng 6 trường hợp mắc).

Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến phức tạp trong năm nay, nguy cơ gia tăng do bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Năm 2017, có gần 190.000 ca bệnh, 32 người tử vong. Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc.

Bộ Y tế khuyến cáo với người dân, để tình trạng dịch bệnh không diễn biến phức tạp nên thực hiện các biện pháp sau nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Khi bị sốt, uống thuốc không hạ sốt, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính... khi có dấu hiệu bệnh thì nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng ngay trong những ngày đầu, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

Hoàng An T/H