Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Văn bản số 188/UBND-VP7 của UBND tỉnh Nam Định gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố có nội dung:

Ngày 25/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

Tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh;

Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương: căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh và Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng sau tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện: Rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh, bảo đảm sự thống nhất với Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tiếp tục thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh; rà soát cơ cấu giáo viên, thực hiện đào tạo, đào tạo lại giáo viên, hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; tham mưu đề án về liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo lớn trong nước để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục tổng hợp, tham mưu bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư công.

UBND các huyện, thành phố quy hoạch quỹ đất sử dụng cho giáo dục và đào tạo; rà soát, ổn định mạng lưới cơ sở giáo dục công lập phù hợp với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025; đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc; thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ; gửi Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 1/8 hằng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thành Nam