Nam Ossetia đặt mục tiêu trở về Nga
Ngày 10/4, tờ Sputnik dẫn lời ông Anatoly Bibilov, Chủ tịch Quốc hội Nam Ossetia, ứng viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống ở nước Cộng hòa cho biết, Tskhinvali đang tiếp tục thảo luận với Moskva về triển vọng tiến hành cuộc trưng cầu dân ý theo nội dung đưa Nam Ossetia gia nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga.
“Tôi luôn luôn nhấn mạnh và bây giờ cũng nhấn mạnh rằng kể từ thời điểm phân tách dân Ossetia (từ những năm 20), nguyện vọng trước sau như một của nhân dân Nam Ossetia là được trở lại sống trong thành phần Liên bang Nga”, tờ Sputnik dẫn lời ông Bibilov khẳng định.
Tskhinvali đang tiếp tục thảo luận với Moskva về triển vọng tiến hành cuộc trưng cầu dân ý theo nội dung đưa Nam Ossetia gia nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga
Ông Bibilov nhấn mạnh, 3 năm nữa sẽ là tròn 100 năm kể từ khi người Ossetia sống “trong những đơn vị chính trị khác nhau”.
Trước đó, trong phần trả lời báo chí, bà Bella Plieva, lãnh đạo Ủy ban bầu cử của Nam Ossetia đã thông báo trong vòng bầu cử đầu tiên, ông Bibilov thu được 57,98% phiếu bầu.
Ngay sau đó, chính trị gia này đã khẳng định với báo chí Nga rằng nước Cộng hòa dự định tăng cường quan hệ với điện Kremlin.
“Nguyện vọng của nhân dân Nam Ossetia về việc gia nhập Liên bang Nga không phải là điều bí mật. Có thoả thuận với Tổng thống của nước Cộng hòa và sự hiểu biết rằng cuộc trưng cầu nên được tổ chức sau cuộc bầu cử năm 2017”, ông Bibilov nhấn mạnh.
Ông Bibilov nhấn mạnh thêm rằng giữa ông và Tổng thống Tibilovyi đã có thỏa thuận về việc gia nhập Liên bang Nga.
“Không cần nghi ngờ gì, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến các đồng nghiệp Nga, bởi điều đó liên quan trực tiếp đến Nga”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng luật pháp Nga cho phép thực hiện hoạt động kể trên, nhưng vẫn còn tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế hiện nay.
Bài học từ Crimea
Tuyên bố trên của ông Anatoly Bibilov được đưa ra ngay sau khi Nga đồng ý sát nhập một số đơn vị quân đội Nam Ossetia vào lực lượng vũ trang Nga hôm 31/3.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tin tưởng rằng cả 2 bên sẽ có những mối quan hệ lâu dài trên nền tảng vững chắc trước đó.
“Như trước đây, chúng tôi coi việc hợp tác giữa Nga và Nam Ossetia là một trong những yếu tố ổn định tại khu vực Caucasus. Chúng tôi chia sẻ những mối quan hệ lâu dài”, ông Shoigu cho biết tại buổi lễ ký kết.
Bài học Crimea đang là thách thức đối với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Nam Ossetia
Ông Shoigu nhắc lại rằng Nga đã nỗ lực và làm mọi biện pháp để hỗ trợ Nam Ossetia trong cuộc chiến chống lại các đợt xâm lăng của kẻ thù đồng thời là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của nước cộng hòa này.
Nam Ossetia và khu vực ly khai nằm bên bờ Biển Đen Abkhazia, đã từng là nguyên nhân gây ra “Cuộc chiến tranh 5 ngày” giữa Nga với Gruzia vào năm 2008, mở đầu bằng việc Tbilisi xua quân đánh vào thủ phủ Tkhinvali của Nam Ossetia vào ngày 7/8/2008.
Việc Tskhinvali đang tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý nhằm tạo ra tính hợp pháp cho việc trở về là một phần lãnh thổ của Nga đã phản ánh thực tế tất yếu tại các khu vực này.
Rõ ràng Moskva đang có một vai trò quan trọng đối với các nước ly khai. Quyết định của Nam Ossetia được dự báo sẽ tác động lớn đến cộng hòa Abkhazia cũng như các khu vực lân cận.
Điều này chắc chắn sẽ gia tăng thêm sức mạnh của Nga, tạo nên ưu thế tuyệt đối so với Mỹ và phương Tây tại các khu vực còn bất ổn này.
Trước đó hồi tháng 3/2014 điện Kremlin đã công nhận độc lập của Crimea và sát nhập bán đảo này vào Nga sau khi chính quyền địa phương tổ chức tiến hành trưng cầu dân ý.
Với hơn 90% người dân ủng hộ, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh thành lập 2 khu vực hành chính mới của nước này là Crimea và thành phố cảng Sevastopol. Đến thời điểm này dù phương Tây và châu Âu vẫn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế vì quyết định trên nhưng Nga vẫn đang đứng vững.
Bài học Crimea là một minh chức rõ nét nhất và là lời cảnh báo nghiêm túc đối với phương Tây trong thời điểm này. Nếu Washington hay phương Tây còn gây rối xung quanh Nga như vụ Nagorno-Karabakh, điện Kremlin có thể sẽ sáp nhập các vùng này vào lãnh thổ của mình.
Hoàng Sơn -Baodatviet