Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh, thành phố đã triển khai có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử thông qua các hình thức như: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự khai thuế, nộp thuế theo quy định; phối hợp với các sở, ban, ngành, ngân hàng thương mại và các cơ quan có liên quan để khai thác thông tin, từ đó đôn đốc người nộp thuế khai, nộp thuế theo quy định; thực hiện thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động và có liên quan trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Thống kê cho thấy, tính từ năm 2016-2020, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với số thuế thu từ quảng cáo trên sản phẩm nội dung thông tin số của tổ chức là 2.442,11 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với các tỉnh, thành phố lớn, các cục thuế đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại trong việc kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, triển khai các biện pháp thanh tra, kiểm tra.

Kết quả cho thấy, tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang web, facebook… đến tháng 12/2020 là 240,89 tỷ đồng, trong đó, Hà Nội là 148 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh là 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng là 24,33 tỷ đồng.

Để triển khai việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử trên toàn quốc trong thời gian tới, Tổng cục Thuế đã ban hành một số công văn gửi cục trưởng cục Thuế các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành một số công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an (Cục Cảnh sát Điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – CO3) để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Ngọc Khánh