Sáng ngày 24/5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Theo đó, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (Điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra Nhà nước (Điều 22), Chủ nhiệm Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý lại quy định này đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về kiểm toán nhà nước và tranh tra.

"Trường hợp cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Thanh tra Nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra cơ quan quản lý thuế mà có phát sinh truy thu thuế, thì có trích lục gửi cơ quan thuế và đối tượng nộp thuế. Trên cơ sở đó cơ quan thuế ra quyết định nộp thuế, nếu kiểm toán và thanh tra sai, bị kiện thì phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình", ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 7 của Luật KTNN về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán và Điều 9, Điều 10 của Luật Thanh tra về trách nhiệm của cơ quan Thanh tra Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật theo hướng:

Trường hợp cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước trực tiếp kiểm toán, thanh tra người nộp thuế mà có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước thì người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước.

Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện kết luận của KTNN, Thanh tra nhà nước - Hình 1

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, quy định như trên là phù hợp với quy định pháp luật về kiểm toán nhà nước và thanh tra. Ông nói: “Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước thì người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện các cơ quan này theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính”.

Cũng theo ông Hải, trường hợp cơ quan KTNN, Thanh tra Nhà nước không trực tiếp kiểm toán, thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thì xử lý như sau:

Theo quy định của pháp luật, đối tượng được kiểm toán, thanh tra (cơ quan quản lý thuế) là đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước.

Do đó, Cơ quan quản lý thuế là người ban hành quyết định truy thu, xử phạt người nộp thuế căn cứ trên kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước.

Việc cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước dựa trên các hồ sơ do cơ quan quản lý thuế cung cấp và có yêu cầu người nộp thuế cung cấp tại liệu tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế khi xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Điều này dẫn đến có một số trường hợp kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Nhà nước có thể chưa đảm bảo chính xác số thuế phải nộp của người nộp thuế và người nộp thuế khiếu nại, khởi kiện cơ quan quản lý thuế.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế và xác định chính xác nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế, đảm bảo cơ quan quản lý thuế phải thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Nhà nước và đảm bảo rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội đã chỉ đạo qơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu điều chỉnh.

Cụ thể, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước phải gửi bản trích sao có kiến nghị, kết luận liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện.

Trong quá trình thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước nếu có phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại số thuế phải nộp.

Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tuấn Ngọc