LTS: Thương hiệu & Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) - thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế; bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng...
Địa chỉ xuất bản nhiều đầu sách chất lượng
Theo tìm hiểu, hiện Nhà sách Nhã Nam có các kênh truyền thông chính, gồm trang web mang tên: https://nhanam.vn/, trang Facebook “Nhã Nam” và “Hiệu sách Nhã Nam Hà Nội” dành riêng cho độc giả tại Hà Nội.
Bên cạnh việc bán sách online trên trang web nhanam.vn, Nhã Nam cũng mở các cửa hàng bán sách trực tiếp tại nhiều tỉnh, thành cả nước.
Qua lời giới thiệu của nhà sách trên trang web, Nhã Nam tự hào là một đơn vị xuất bản uy tín với nhiều tác phẩm dịch chất lượng. Thông qua Nhã Nam, các cuốn sách văn học nước ngoài có giá trị được liên tục mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam, thu hút nhiều tầng lớp độc giả. Sách của Nhã Nam nổi bật bởi nội dung văn học, thiết kế hiện đại, cùng sự chăm chút kỹ lưỡng cho mỗi cuốn sách, đem tới niềm vui, tri thức, ngạc nhiên, và đồng cảm tới độc giả.
Bên cạnh đó, tại đây còn bày bán thêm các loại mặt hàng như đồ dùng cá nhân: bình nước, chun tóc, kẹp tóc, gương, dây, cùng đồ chơi các loại…
Các hàng hóa được bày bán tại Nhà sách Nhã Nam cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hàng hóa nước ngoài được bày bán tại hiệu sách Nhã Nam Hà Nội lại chưa chuẩn chỉnh, vi phạm quy định tem nhãn.
Bày bán hàng hóa “trắng” thông tin, không có tem phụ tiếng Việt
Ghi nhận tại các chi nhánh Nhã Nam tại Hà Nội, các mặt hàng nhập khẩu nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc có đầy đủ tem nhãn phụ Tiếng Việt theo đúng quy định pháp luật.
Trái lại, tại đây cũng bày bán không ít các sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt.
Ngày 21/7, phóng viên đã đến ghi nhận tình hình tại chi nhánh Nhã Nam 107 B9 Tô Hiệu, P. Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, thực tế nhiều mặt hàng văn phòng phẩm, đồ lưu niệm như bút xóa, tẩy, hộp bút, hộp đựng bút, sticker, đồ chơi tự làm (DIY)... “made in China, made in Taiwan…” nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt.
Các sản phẩm dành cho cá nhân như kẹp tóc, chun buộc, gương, lược… hoàn toàn “trắng” thông tin, khiến người tiêu dùng khó khăn khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Nhiều loại đồ chơi cho bé toàn tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn cụ thể bằng tiếng Việt về nguồn gốc, xuất xứ hay quy cách sử dụng, cảnh báo… Liệu rằng những sản phẩm trên có đủ an toàn để trẻ em sử dụng hay không?
Trong cùng ngày, phóng viên tiếp tục “mục sở thị” tại cơ sở Nhã Nam Book’n Coffee, Tầng 3 TTTM The Loop IPH - 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, tình trạng tương tự tiếp tục diễn ra. Phóng viên nhận thấy nhiều sản phẩm dụng cụ học tập, bình nước, đồ dùng cá nhân,... 100% chữ nước ngoài mà không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.
Một số sản phẩm đồ chơi cũng rơi vào trạng thái "trắng" nhãn khiến người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng cũng như những cảnh báo với sản phẩm.
Quy định của pháp luật chỉ rõ
Trong khi đó, pháp luật đã có những quy định cụ thể về tem nhãn hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả, có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc, nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.
Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng nhưng thực tế, nhà sách Nhã Nam đã và đang bày bán nhiều sản phẩm là hàng ngoại nhập vi phạm quy định về tem nhãn.
Đề nghị, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của hệ thống nhà sách Nhã Nam nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm được bày bán tại Nhã Nam có đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Hồng Nhung - Thảo Nguyên