Phiên xét xử sơ thẩm tại TAND Hậu Giang ngày 5/7
Trước đó, từ năm 2013, Cơ sở Ngân Anh (trụ sở tại Ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang) liên tục đưa ra các sản phẩm “xâm phạm” quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hàng Bảo Xuân (thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân) đã bị cơ quan chức năng xử phạt.
Trải qua nhiều phiên tòa, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đến ngày 29/8/2016, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên xử không chấp nhận đơn khởi kiện của chủ Cơ sở Ngân Anh, yêu cầu hủy Quyết định 11692- QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ về việc từ chối bảo hộ nhãn hiệu Bảo Xuân theo đơn số 1-2011-15391 của Cơ sở Ngân Anh.
Sự việc không vì vậy mà kết thúc khi cơ sở này tiếp tục đâm đơn kiện ngược Thanh tra Bộ KH&CN khi đơn vị này có Quyết định số 51QĐ-XPHC ngày 10/6/2016 xử phạt cơ sở này số tiền 13,8 triệu đồng vì đã xâm phạm các quyền đối với những nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Trong đơn khởi kiện, Cơ sở Ngân Anh cho rằng việc Ngân Anh khởi kiện Quyết định số 11692-QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ đang trong quá trình xét xử nên cho rằng Thanh tra Bộ KH&CN ra quyết định xử phạt cơ sở là không đúng. Do trong thời gian Tòa án đang giải quyết, Bộ KH&CN không đươc phép ra bất cứ một quyết định xử lý hành chính nào cho đến khi quá trình giải quyết tranh chấp của Tòa án có quyết định hiệu lực cuối cùng.
Theo lập luận từ phía đại diện ủy quyền của Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, trong vụ khởi kiện Quyết định số 11692QĐ-SHTT thì bị đơn là Cục Sở hữu trí tuệ; đối tượng khởi kiện là Quyết định 11692 QĐ-SHTT. Cho nên, việc Ngân Anh kiện lần này không liên quan gì tới việc cơ sở xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu “Bảo Xuân” của Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân và bị Thanh tra Bộ KH&CN xử phạt.
Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “Bảo Xuân”, Cơ sở Ngân Anh cho rằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 231484 ngày 16/09/2014 nên việc sử dụng nhãn hiệu Bảo Xinh (cách điệu) là thuộc phạm vi nhãn hiệu mà Cơ sở Ngân Anh đã đăng ký.
Hơn nữa, Bảo Xinh là sản phẩm mỹ phẩm thuộc nhóm 03 khác với Bảo Xuân là dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng (nhóm 05) nên Cơ sở Ngân Anh không vi phạm việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phía Bộ KH&CN cũng đồng ý việc Ngân Anh có quyền sử dụng nhãn hiệu như đã đăng ký (cụ thể là nhãn hiệu chữ “ Bảo Xinh” theo phông chữ in thường với chữ cái đầu “H” và “X” in hoa. Tuy nhiên, trên sản phẩm kem dưỡng da do cơ sở Ngân Anh sản xuất (được lấy mẫu trong quá trình thanh tra), dấu hiệu “Bảo Xinh” có hình thức thể hiện cách điệu trùng với hình thức thể hiện của nhãn hiệu “Bảo Xuân” đang được bảo hộ của Công ty Ích Nhân theo giây chứng nhận số 172843, 180951.
Do vậy, việc Cơ sở Ngân Anh sử dụng dấu hiệu Bảo Xinh (phông chữ cách điệu) trên sản phẩm kem dưỡng da là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty Ích Nhân. Chính vì vậy, Thanh tra Bộ KHCN có đủ căn cứ để xác định vì xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu “ Bảo Xuân” đang được bảo hộ cho Công ty Ích Nhân.
Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của Cơ sở Ngân Anh đã đưa ra các lập luận không có căn cứ, cố tình kiện các vẫn đề không liên quan đến nhau thành một vấn dề chung. Người này cho rằng phía Ngân Anh và Công ty Ích Nhân tranh chấp vấn đề nhãn hiệu nên việc thanh tra xử phạt là không hợp lý. Đối chất tại tòa, đại diện Công ty Ích Nhân khẳng định công ty này không tranh chấp với Ngân Anh tại bất kì cơ quan có thẩm quyền nào.
HĐXX xét thấy, hành vi của Cơ sở hóa mỹ phẩm Ngân Anh đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ , đồng thời bác yêu cầu khởi kiện của cơ sở, giữ nguyên quyết định số 51QĐ-XPHC ngày 10/06/2016 xử phạt cơ sở này số tiền 13,8 triệu đồng.
Sự việc này cho thấy, cần thiết có sự vào cuộc của các ban ngành, sớm giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
PV