Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Nỗ lực đẩy lùi vấn nạn - Hình 1Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, các văn bản pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được ban hành tương đối đầy đủ. Nhưng do liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau, nằm trong các văn bản pháp luật cấp độ khác nhau nên vẫn còn có sự chưa thống nhất; khi sửa đổi, bổ sung một vấn đề thì cần phải có thời gian để các văn bản có liên quan điều chỉnh theo.

Thứ hai, cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, thể hiện ở chỗ số lượng vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít, mà chủ yếu được giải quyết ở các cơ quan hành chính. Mặc dù, về hình thức các quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT đã tương đối đầy đủ, nhưng nhưng một số quy định mới chỉ dừng ở nguyên tắc chứ chưa đủ chi tiết nên việc áp dụng còn nhiều vướng mắc.

Thứ ba, các tổ chức bảo đảm thực thi chưa thực sự đáp ứng về khía cạnh cấu trúc cũng như năng lực. Chúng ta tuy có nhiều cơ quan thực thi tương ứng với từng biện pháp thực thi; song mỗi cơ quan lại có chức năng và thẩm quyền khác nhau và độc lập với nhau. Trong quá trình thực thi quyền SHTT, các cơ quan này chưa có sự phối hợp hiệu quả. Thêm vào đó, do nhiều cơ quan thuộc nhiều cấp bậc cùng tham gia vào hoạt động thực thi quyền SHTT, nhưng năng lực chuyên môn của các cán bộ trong hệ thống này chưa đồng đều, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu công việc; rất ít cán bộ được đào tạo về lĩnh vực SHTT.

Thứ tư, hệ thống hỗ trợ thực thi quyền chưa đáp ứng nhu cầu: Mạng lưới dịch vụ đại diện SHTT còn mỏng; chỉ có một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp ở Hà Nội với 2 giám định viên thực sự hoạt động; dịch vụ cung cấp thông tin SHTT còn chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Thứ năm, hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT còn hạn chế, chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền SHTT. Công chúng chưa coi việc sử dụng hàng xâm phạm quyền SHTT là điều không nên làm và đáng chê trách. Các chủ thể quyền SHTT chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Năng lực của các cán bộ trong lực lượng thực thi quyền còn chưa đồng đều để đáp ứng với yêu cầu của công việc. Các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chưa hiệu quả.

Thứ sáu, do ảnh hưởng từ mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế, thực tế không phải mọi loại hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT đều được sản xuất ở Việt Nam, mà một khối lượng hàng hóa loại đó được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam theo nhiều con đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ...

Để hạn chế tình trạng đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan, theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT.

Cụ thể, chúng ta đang tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật SHTT, nghị định, thông tư hướng dẫn Luật để tiến tới sửa đổi toàn diện và mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường sự phối hợp - hỗ trợ nâng cao năng lực của các cơ quan trong hệ thống thực thi quyền SHTT. Tạo điều kiện tăng cường số lượng và chất lượng của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ xác lập và thực thi quyền SHTT; thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ thực thi quyền.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương, địa phương, cho đến cơ quan thực thi, doanh nghiệp và người dân về bảo hộ quyền SHTT. Tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về SHTT, tiếp tục cải cách hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống.

Hà Thu