Công nghệ Nano – Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano công nghệ Nhật. Đối với vật liệu Bioreactor sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.

Thiết bị này sẽ được đặt dưới lòng sông Tô Lịch, vận hành tự động để làm sạch nước, phân hủy bùn, chất thải. Trong đó, công nghệ Bioreactor có vai trò kích thích các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại, gây ô nhiễm môi trường nước.

Nhật Bản sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch nước sông Tô Lịch - Hình 1

Công nhân Nhật Bản đưa công nghệ Nano-Bioreactor xuống sông Tô Lịch

Có chiều dài khoảng 14 km, sông Tô Lịch chảy qua nhiều quận, huyện của Hà Nội như Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Dòng sông đã bị ô nhiễm nặng nề do người dân thành phố xả nước thải sinh hoạt trực tiếp chưa qua xử lý xuống lòng sông. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch vẫn tiếp tục phải tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông ngày càng trầm trọng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản có 4 ưu điểm vượt trội so với các công nghệ hiện nay ở Việt Nam.

Thứ nhất, công nghệ này tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên bio… giúp kích hoạt các vi sinh vật, cuối cùng là các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy vô tận trong nước.

Thứ hai, công nghệ nano phun trực tiếp bọt khi nano vào trong không khí và điều này giúp nồng độ oxy hòa tan cao, cá sẽ không bị chết hàng loạt.

Thứ ba, công nghệ này không bị tái ô nhiễm bởi hai yếu tố: vật liệu thiên nhiên được làm từ đá núi lửa, không tan trong nước và tồn tại mãi ở khu vực xử lý.

Thứ tư, công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với các công nghệ xử lý nước thải khác.

Sau lễ khởi động, dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhiều năm nay của sông Tô Lịch, trả lại màu xanh cho dòng sông.

Huy Trung