Phạt tiền nếu miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn lên facebook

Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Phạt tiền nếu miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn… trên mạng xã hộiPhạt tiền nếu miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn… trên mạng xã hội

Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong 08 nhóm hành vi tại Khoản 1 Điều 101; đơn cử như:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn…

Bên cạnh việc phạt tiền thì người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm khỏi các trang mạng xã hội.

Cá nhân có hành vi vi phạm như tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/04/2020; đồng thời, bãi bỏ Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, Điều 2 Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017.

Quy định về thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình

Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Theo đó, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Thuốc làm mất tri giác; Thuốc làm liệt hệ vận động; Thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Một liều thuốc gồm 03 loại thuốc quy định tại khoản 1 Điều này và dùng cho 01 người.

Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ quốc phòng. Bảo quản thuốc theo điều kiện ghi trên nhãn thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp.

Nghị định 43/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Hồ sơ đăng ký xét, tiếp nhận vào viên chức KH&CN trong trường hợp đặc biệt

Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014.

Theo đó, quy định hồ sơ đăng ký xét tiếp nhận vào viên chức khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động KH&CN.

Cụ thể, cá nhân đáp ứng đủ yêu cầu về vị trí việc làm, nộp một bộ hồ sơ gồm: Phiếu đăng ký xét, tiếp nhận vào viên chức (theo Mẫu số 01/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này); Bản Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập, thành tích KH&CN theo yêu cầu của vị trí xét tuyển; trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận; Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe cấp theo quy định của Bộ Y tế; Lý lịch khoa học của người đề nghị tiếp nhận vào viên chức.

Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Tăng mức phạt tiền với người sử dụng lao động khi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động

Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 02 – 25 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động bị vi phạm (quy định hiện hành là từ 01 – 20 triệu đồng) khi không giao kết đúng loại HĐLĐ với người lao động. (Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp đôi).

Ngoài ra, nếu người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng.

Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Hưng Khánh