THCL - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2016) tiếp tục cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Nhưng đồng thời cũng phản ánh một số xu hướng đáng quan ngại ở các lĩnh vực như tính minh bạch; chi phí không chính thức; cạnh tranh không bình đẳng...
Thông qua PCI, các tỉnh có thể so sánh với nhau, tạo động lực cải cách. (Ảnh minh họa)
Chi phí không chính thức: Vấn đề đáng bàn
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư… và điểm tiếp cận tài liệu pháp lý của DN ở tỉnh trung vị năm nay lần lượt là 2,39 và 3,10 điểm (thấp hơn mức khởi điểm điều tra PCI năm 2006 là 2,63 và 3,15 điểm). Đáng chú ý, mối quan hệ cá nhân với cán bộ công chức tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Những thông tin về chi phí không chính thức đặt ra vấn đề đáng bàn khi tiếp cận kết quả PCI 2016. Một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Kết quả điều tra PCI nhiều năm qua đã khẳng định điều này.
Cụ thể, chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc 2006. Các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến theo xu hướng tiêu cực hơn. Trung bình có khoảng 66% DN tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức; 9 - 11% DN tham gia điều tra từ năm 2014 - 2016 phản ánh các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước đó.
PCI 2016 là “tiếng nói” của hơn 10.000 DN trong nước, cũng không quá khó hiểu khi DN cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục vẫn phổ biến. Dù chỉ tiêu này được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013 - 2014 xuống 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó.
Liên tục trong 3 năm qua, 2014 - 2016, tại tỉnh trung vị, 35% DN phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, một tỷ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI. Trước đây, tỷ lệ này chỉ khoảng 1/5, hoặc đôi khi chỉ 1/10 (năm 2011). Số lần thanh, kiểm tra hàng năm đối với DN tư nhân tăng, trong khi thời gian trung bình cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế năm 2016 đã tăng trở lại.
“Nhiều giấy tờ thủ tục, phải đi lại nhiều lần hơn, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thấp hơn, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của DN dường như chưa bao giờ thôi là “gánh nặng” đối với họ”, báo cáo nhấn mạnh.
Kết quả điều tra PCI tại các chỉ tiêu gốc 2006 - 2016 vẫn tồn tại một “sân chơi” chưa bình đẳng giữa DN tại các tỉnh, thành phố. Thiệt thòi nhất vẫn là nhóm DN dân doanh nhỏ và vừa. Theo kết quả khảo sát PCI 2 năm qua, hơn 38% DN vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước, gây khó khăn cho không ít DN”. Đáng lo ngại, kinh doanh bằng mối quan hệ của một số DN tiếp tục chèn lấn các hoạt động kinh doanh của nhiều DN khác.
Tạo áp lực cải cách ở các địa phương
PCI được đánh giá là công cụ thúc đẩy các tỉnh phải nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông Tuấn, muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì một trong những giải pháp hàng đầu là phải để DN nói thật ra hết những vấn đề, những tâm tư nguyện vọng của họ.
Và quan trọng không kém, thông qua PCI, các tỉnh có thể so sánh với nhau, thay vì trước kia mỗi tỉnh thường nhìn theo chiều dài thời gian của mình, thì thấy luôn tiến bộ. Nhưng khi nhìn sang bên cạnh, các tỉnh khác cũng không đứng yên.
“PCI tạo cho các tỉnh sự sốt ruột. Họ thấy các tỉnh khác đẩy mạnh cải cách hành chính như vậy nên đã thu hút được nhiều đầu tư thì mình phải làm gì? Mỗi tỉnh sẽ phải nỗ lực có những sáng kiến cải cách riêng. Những mô hình như trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh, trung tâm xúc tiến đầu tư hay bác sỹ DN ở Bắc Ninh… là những sáng kiến từ thực tiễn. Khi những sáng kiến cải cách được thực hiện thành công thì sẽ trở thành chính sách ở Trung ương”, ông Tuấn nêu quan điểm.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, thông điệp của Chính phủ đã rất rõ ràng, chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ. Chính phủ khẳng định DN, doanh nhân là đối tác, là khách hàng của những dịch vụ công.
Thực tế, một số tỉnh đã tiến hành giám sát và đánh giá của DN ở cấp sở, huyện. Sự cạnh tranh ở cấp sở, ngành, quận, huyện tiếp nối và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách. Chính quyền đang ngày càng coi trọng DN như một đối tác, một khách hàng. Kể cả những cán bộ công chức muốn hành DN cũng phải dè chừng hơn vì quyền năng giám sát của DN. Điều này cũng đòi hỏi DN phải có trách nhiệm hơn. Đây là câu chuyện về “hai bàn tay vỗ mới nên tiếng”.
Trần Nguyên