Ngang nhiên và biến tướng phức tạp
Hiện nay, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn tiểm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng nói, ngoài hàng triệu mặt hàng được làm giả và bán công khai thì SÁCH - tri thức của loài người cũng bị làm giả và bán với giá “bèo”.
Nhiều nhà xuất bản trên cả nước đã và đang “kêu cứu” vì tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường, thực trạng này diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Những tác phẩm tiểu thuyết bị in lem nhem, những cuốn sách bán chạy bìa đóng cẩu thả, hay thậm chí những cuốn sách đã không còn xuất bản vẫn đang được rao bán.
Vấn nạn này càng khó kiểm soát hơn khi chúng được đưa lên môi trường số. Tại nhiều trang mạng xã hội và một số sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee… đang rao bán sách giả, sách lậu, sách không có bản quyền thu hút hàng chục nghìn tài khoản theo dõi, bình luận đã vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách giá, sách lậu.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng triệu cuốn sách “lậu” và các ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị lên đến nhiều tỷ đồng.
Có thể kể đển một số vụ điển hình như, ngày 8/1/2021, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra ngôi nhà số 3, ngõ 89 Ngô Thì Sỹ và kho thuê ở Nhà văn hóa tổ dân phố 9 thuộc phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Tại đây cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 50 đầu sách với số lượng khoảng 40.000 cuốn sách giả, thuộc các công ty phát hành sách nổi tiếng như: First News - Trí Việt, Alpha Books, NXB Trẻ, Nhã Nam…
Hay như, ngày 8/4/2021, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an Hà Nội; Thanh tra Sở thông tin truyền thông Hà Nội, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra cơ sở gia công sau in Công ty TNHH Thương mại bao bì Quang Minh. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện và thu giữ hơn 3 đầu sách với số lượng khoảng 100.000 cuốn sách giả. Trong đó, gồm Vở bài tập Toán lớp 9, tập 1, tập 2; Vở bài tập Giáo dục công dân 7 tập 1 và 650 kg bán thành phẩm (Vở bài tập Giáo dục công dân 7 tập 1).
Gần đây, ngày 19/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) triệt phá thành công đường dây tội phạm có tổ chức quy mô lớn chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa tại Công ty CP In và văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội) để tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.
Sau khi đồng loạt triển khai khám xét khẩn cấp tại 19 địa điểm, 2 văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội. Các cơ quan chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện phạm tội của các đối tượng gồm 3 dây chuyền máy in offset 4 màu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách...
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả.
Vì lợi nhuận “khủng” đầu nậu bất chấp vi phạm pháp luật
Ông Nguyễn Văn Phước - nhà sáng lập và là CEO First News - Trí Việt cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Đầu tiên phải kể đến là khoản siêu lợi nhuận khổng lồ mà sách giả, sách lậu mang lại khi không tốn chi phí bản quyền, dịch thuật, biên tập. Chỉ sử dụng giấy, mực in rẻ tiền nên người bán sách giả, sách lậu thu lời rất cao.
Bên cạnh đó, một số bộ phận người đọc với tâm lý ham rẻ, được chiết khấu cao. Người đọc chưa phân biệt được sách thật và sách giả, thích được giảm giá, miễn phí nên luôn có thói quen mua hàng ở vỉa hè, cơ sở nhỏ lẻ hoặc tìm phiên bản sách điện tử lậu trên internet thay vì đến những cơ sở quy mô lớn.
“Một nguyên nhân nữa cũng giúp cho sách lậu vẫn còn “đất sống” là do chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe. Hiện nay mức phạt đối với hành vi in “lậu” sách còn tương đối thấp, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in “lậu” sách thu được”, ông Phước nói.
Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.
Cuộc chiến với sách giả, sách lậu hẳn sẽ còn rất gian nan, để có thể bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các nhà xuất bản với lực lượng chức năng trong hoạt động chống in lậu.
Ông Nguyễn Văn Phước cho biết thêm: First News - Trí Việt chúng tôi luôn cố gắng lan truyền văn hoá đọc cho mọi người dân Việt Nam. Trong suốt hơn 10 năm chiến đấu, một trong những điều chúng tôi mong mỏi nhất trên hành trình này là gióng lên hồi chuông cảnh báo cho mọi người về vấn nạn sách giả, sách lậu, và các hành vi vi phạm bản quyền.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng Đại diện phía Nam tại TP. HCM cho rằng, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, vì sách giả vi phạm Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, làm thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời gây tổn hại nặng nề cho tác giả và những người làm sách chân chính.
“Theo tôi để xử phạt thích đáng hành vi in, tàng trữ, lưu hành sách lậu, sách giả, phải kết hợp với các hình thức xử lý hình sự như cải tạo không giam giữ, hay phạt tù đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, theo điều 192 của Bộ luật hình sự 2015; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định hướng dẫn tại Điều 225 Bộ Luật hình sự 2015; hay hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam tại Điều 226 Bộ Luật hình sự 2015. Phải kết hợp xử lý hình sự theo các điều khoản vừa nêu trên thì mới có khả năng ngăn chặn hữu hiệu hành vi sản xuất, buôn bán sách giả đang ngày càng nghiêm trọng như hiện nay”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng, một yếu tố then chốt nữa để loại bỏ vấn nạn này chính là độc giả, cần nâng cao ý thức, kiên quyết không dùng sách giả, sách in lậu. Học cách nhận biết sách giả, sách thật hoặc tìm mua sách ở những địa chỉ uy tín của các nhà xuất bản, hệ thống của các nhà sách, các trang web bán sách uy tín để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân trong việc tiếp cận nguồn sách chính thống cũng như quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản chân chính.
Nguyễn Tùng