Nóng lòng chờ, không thấy đâu
Nằm trên quận trung tâm của TP. HCM, dưới những tòa cao ốc trọc trời mà đứng từ xa đã thấy. Ít ai biết rằng, khu vực này lại có hàng trăm căn nhà hộp diêm, với kích thước chỉ từ 5 – 10 m2, lụp xụp, rách nát. Thậm chí, không ít nhà, nhiều chục năm nay không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Một trong rất nhiều những con đường dẫn vào khu Mã Lạng luôn trong tình trạng chật chội và thiếu ánh sáng
Cảm nhận đầu tiên khi bước vào đây là một không khí ngột ngạt, u ám, thiếu ánh sáng. Bởi đường vào khu Mã Lạng như một mê trận với hàng loạt con hẻm nhỏ chạy loằng ngoằng. Hai bên là những dãy nhà hộp diêm, với kích thước siêu nhỏ như vậy kéo dài. Những người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề chạy xe ôm, bốc vác thuê, lượm ve chai….
Sống ở đây đã được hơn 30 năm, ông Hoàng Minh Thái hằng ngày vẫn đi bốc vác thuê ở khu chợ Bến Thành, vợ ông thì bán nước dạo ở khu bến Bạch Đằng. Còn 2 vợ chồng anh con trai làm công nhân. Căn nhà của ông bà ngang chỉ có 1,1 m và dài 5 m, với một gác xép nhỏ dành cho vợ chồng người con trai.
Con đường dẫn vào nhà gần như chỉ đủ cho một người đi
Ông Thái cho biết, quê ông ở dưới Tiền Giang, nhưng từ sau giải phóng ông đã di cư qua khu Mã Lạng sinh sống và làm kinh tế. Nhìn từ bên ngoài thì ít ai biết rằng, căn nhà rộng chưa tới 6 m2 này lại là tổ ấm của sáu người gồm vợ chồng ông, vợ chồng con trai và hai đứa cháu.
“Nhà có nhiều người mà diện tích thì nhỏ nên không dám sắm đồ đạc gì, nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh được thiết kế cùng một chỗ, còn lại 2 m2 làm chỗ ngủ. Khi ai tắm hay đi vệ sinh thì mọi người ra ngoài, xong rồi lại vào như bình thường, sống mãi cũng quen. Chỉ khổ cho tụi nhỏ, nhà chật quá nên không có chỗ chơi, mỗi khi cho cháu ăn là lại phải đưa ra ngoài”, ông Thái chia sẻ.
Cũng chung hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Hoa năm nay gần 70 tuổi, đang nhặt rau ở trước cửa một ngôi nhà gần đó, cho biết: Diện tích nhà quá hẹp nên mọi công việc hay sinh hoạt đều phải đưa ra ngoài. Hơn nữa ở trong nhà tối quá, phải mang ra ngoài làm mới nhìn rõ được.
Vì nhà quá chật nên mọi công việc đều được đưa ra ngoài
Bên cạnh đó, hệ thống ống cống thoát nước ở đây lâu ngày không được nâng cấp, sửa chữa. Dù trời không mưa nhưng tại một số tuyến đường vẫn bị ngập nước, nhiều khi nước cống còn trào lên, bốc mùi hôi rất khó chịu. Ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của những người dân sinh sống ở đây.
Dừng mãi ở khâu chuẩn bị
Được biết, từ năm 2000, thành phố đã có chủ trương giải tỏa quy hoạch chỉnh trang khu Mã Lạng. Dự án này được giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án này đã không thể thực hiện. Đến năm 2007, TP. HCM đã có chủ trương giao cho Tập đoàn Bitexco đầu tư để biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại.
Những đứa trẻ ở đây phải chơi đùa bên vũng nước cống hôi hám
Tuy nhiên, khi TP. HCM giao dự án này cho Tập đoàn Bitexco thì phạm vi của dự án đã mở rộng, lấy hết cả khu tứ giác này với diện tích lên đến 8,2 ha chứ không chỉ có khu Mã Lạng. Như vậy, toàn bộ 1.600 hộ dân (theo số liệu của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, TP.HCM) trong khu tứ giác này sẽ bị giải tỏa di dời nhường chỗ cho khu phức hợp.
Nhưng điều đáng nói là đã 10 năm trôi qua kể từ khi khu tứ giác này được giao cho Tập đoàn Bitexco và 17 năm kể từ khi có chủ trương chỉnh trang khu Mã Lạng mọi việc mới chỉ dừng lại ở các bước chuẩn bị cho việc thực hiện dự án.
Dù sống giữa quận giàu nhất Sài Gòn nhưng muốn vào được nhà phải bắc cầu
Đầu năm 2017, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với UBND quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án. Đồng thời, chỉ đạo quận 1 chủ trì, phối hợp với Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổ chức điều tra, khảo sát, lập phương án tái định cư trong quý II/2017.
Nhưng không biết, công tác này có được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch!?
Hải Phong