Nợ của Vinashin, ai trả?
Tăng gấp 3 lần GDP
Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%. Những con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Tại hội nghị Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng thẳng thắn, chi thường xuyên tăng là nguyên nhân chính khiến ngân sách luôn căng thẳng, nợ công đã sát trần, nếu tính đầy đủ nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ... thì nợ công đã vượt trần cho phép. Vì vậy, cần phải có biện pháp, thậm chí xem xét tới vấn đề nới trần nợ công.
Thủ tướng cảnh báo về việc “không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khoá quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên. Yêu cầu các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ.
Về phía Bộ Tài chính, một trong những giải pháp sẽ triển khai trong năm là không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN. Mặt khác, Bộ sẽ thực hiện đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới.
Trong cuộc họp và thảo luận về Luật Quản lý nợ công sửa đổi sau 6 năm thi hành, Trước những con số nợ mà Chính phủ trình lên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Lê Thị Nga đặt vấn đề: Vì sao nợ công thực tế tăng khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ năm 2009? Nợ công tăng nhanh là do luật sơ hở hay thực thi luật chưa nghiêm? Chính phủ có khẳng định, bằng luật này quy trình giám sát ODA sẽ hoàn toàn yên tâm?
“Nặng nề” trong điều hành
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận: “Nợ công tăng nhanh, trước hết do công tác điều hành”.
Giai đoạn 2011 – 2015, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) là 7,5% và sau đó điều chỉnh giảm về 6,5%, thực tế chỉ đạt 5,9%. Ở thời điểm đó, tổng số vay của nền kinh tế khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, gồm 330 ngàn tỷ trái phiếu chính phủ được phép phát hành thêm theo Luật NSNN (cũ).
Giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,5%, nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%, trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu khác như an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông nên trong thời gian dài bội chi rất cao, chưa kể còn phát hành thêm trái phiếu khoảng 330 ngàn tỷ.
Theo Bộ trưởng, giá trị GDP thực tế đều hụt so với dự báo, trong khi điều hành toàn theo kế hoạch, tức là khả năng có hạn nhưng chi tiêu theo nhu cầu. Như thế thì nợ công tăng nhanh là đúng.
Giai đoạn 2011 - 2013, thời gian huy động vốn quá ngắn, lãi suất quá cao, có khoản vay đến 12 - 13% nên áp lực trả nợ sẽ dồn trả nợ sang 2016 - 2017. Thêm một yếu tố khiến nợ công tăng cao là dự toán ODA thấp (17 - 18 ngàn tỷ), nhưng năm nào cũng giải ngân cao 50 - 60 ngàn tỷ.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh 2 chữ “nặng nề” trong điều hành của Bộ khi khả năng dự báo không đúng, giá trị GDP toàn thấp hơn, trong khi bội chi thì đã quyết trước.
Đồng tình nợ công tăng nhanh thời gian qua là do điều hành, nhưng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đưa ra nguyên nhân gốc rễ là do việc sử dụng nợ công liên quan đến đầu tư kém hiệu quả. Giải quyết vấn đề này, không phải do Luật Quản lý nợ công, mà chủ yếu là Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng.
Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, lúc trước đầu tư vượt quá khả năng của nền kinh tế, bây giờ 5 năm tới chỉ được 2 triệu tỷ đồng, trước kia vay nợ thoải mái, 5 năm tới, Trung ương chỉ được vay nợ 300 ngàn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã kiểm soát hết, không thể làm tăng nợ công nữa. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các bước làm tăng hiệu quả đầu tư dự án đã đầy đủ hơn, ví dụ như trước kia phê duyệt rất thoải mái, giờ phải có nguồn vốn mới được phê duyệt… Nếu thực hiện tốt Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, bảo đảm hiệu quả từng dự án sử dụng nguồn vốn vay, sẽ giải quyết được vấn đề nợ công tăng nhanh, sử dụng vốn vay không hiệu quản
Bùi Quyền