Mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn
Hơn một năm về ở, các cư dân Thanh Hà Cienco 5 vẫn phải sống chung với nước bẩn. Một cư dân cho biết, kết quả xét nghiệm nước vào tháng 12/2017, chỉ số Nitrit (NO2) cao gấp gần 7 lần mức cho phép, peemanganat cao gấp 2 lần. Trong khi đó, chỉ số xét nghiệm mẫu nước của khu chung cư được gửi đến Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vào tháng 1/2018 cho kết quả, chỉ số peemanganat cao gấp 2 lần, chỉ số Amini và Asen đều cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam.
Cư dân khác ở toà HH02 A1 bức xúc: “Gia đình tôi có 4 người nhưng có tháng phải trả tới hơn 500 nghìn tiền nước thế mà vẫn phải chịu cảnh nước bẩn, sử dụng lâu chúng tôi sợ bị ung thư”.
“Mặc dù băng rôn đã phủ kín cả 9 tòa nhà, thế nhưng chủ đầu tư không có phản hồi, không có câu trả lời thỏa đáng và tìm nguồn nước sạch cho người dân khiến mâu thuẫn ngày càng gay gắt và căng thẳng”, một vị cư dân khác chia sẻ.
Ảnh: Cư dân căng biểu ngữ phản đối chủ đầu tư
Về bể ngầm chứa nước sinh hoạt, cư dân cho biết khi thau rửa bể ở 1 trong 9 tòa thì trực tiếp kiểm tra và nhận thấy chất lượng bể ngầm không đảm bảo. Có vết nứt, thành bể không được chống thấm (vẫn nguyên hiện trạng bê tông), có nhiều ti sắt ở thành và đáy bể, trong bể vẫn còn nguyên cốt pha và bạt đổ bê tông. Ngay sau đó, ban quản lý đã cấm cư dân xuống kiểm tra lần thau bể của toà tiếp theo.
Cư dân phản ánh thêm, ngày 10/7/2018, khi thau rửa bể ngầm tiếp theo của toà HH02-1C, chủ đầu tư đã cho tập kết gần 1 tấn xi măng và cát trước cửa xuống bể ngầm và quây kín khu vực thau bể khiến cư dân vô cùng bức xúc. Xem xét thực tế cư dân nhận thấy có nhiều rác bẩn trong bể ngầm. Bên trong bể đầy rác thải, chúng tôi đã thu gom lại phải được 3 bao tải đựng rác trong bể. Ngoài ra, bùn đất dưới đáy bể rất nhiều, dày đến khoảng 5-7cm. Thành bể thì bị nứt, nước từ bên ngoài rò rỉ chảy vào trong.
Ảnh: Rác thải được thu gom từ bể nước
Về vấn đề thu sai phí trông giữ xe, cư dân cho biết, trong buổi đối thoại gần đây nhất 07/7/2018, khi cư dân hỏi về vấn đề thu sai phí trông giữ xe từ 01/01/2018 đến 30/6/2018, và yêu cầu trả lại cư dân số tiền đã thu sai thì ông Lương Thanh Lưu - Giám đốc chi nhánh dịch vụ Nhà ở Thanh Hà đã trả lời số tiền đó đã chi tiêu hết. Khi áp dụng phí trong giữ xe mới từ 01/7/2018 theo quyết định 44/2017/QĐ-UBND thành phố Hà Nội thì phía ban quản lý cho đóng hết cửa hầm xe, chỉ cho lưu thông 1 cửa duy nhất gây bức xúc cho cư dân khi 3 tòa chung 1 hầm để xe nhưng chỉ mở 1 cửa ra vào gây ùn tắc.
Hiện tại, cư dân vẫn chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, những ngày mùa hè, cư dân còn ví Thanh Hà Cienco 5 như một “chảo lửa” khi các phòng trong tòa nhà được xây tạo thành vòng tròn khép kín với mỗi tầng 32 căn hộ, ở giữa là giếng trời thông từ tầng 2 lên tầng 6. Trên nóc của giếng trời tầng 6 là những tấm nhựa lấy ánh sáng mà không hề có mái che chống nóng. Hành lang không có ô thoáng để lưu thông gió.
Thiết kế mái nhựa lấy ánh sáng tại Thanh Hà Cienco5
Chính quyền im lặng, chủ đầu tư “phớt lờ”
Hơn 1 năm kể từ ngày bàn giao nhà, cư dân Thanh Hà Cienco 5 đã nhiều lần bức xúc kêu cứu đến CĐT, các cơ quan chức năng, chính quyền xã huyện Thanh Oai.
Các cư dân cho biết, đã có buổi đối thoại giữa các bên CĐT, ban quản lý, nhà máy nước với cư dân về những vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có sự phản hồi tích cực từ phía CĐT và ban quản lý về biện pháp khắc phục nguồn nước nhiễm Asen. Mặc dù cư dân đã treo biểu ngữ để phản đối CĐT và yêu cầu được cấp nước sạch, thế nhưng cư dân tại đây vẫn phải bỏ tiền ra mua nước sạch để ăn uống, vệ sinh.
Cư dân cho biết thêm, về nước sinh hoạt, ban đầu là công ty Nhất Phát cung cấp nguồn nước, sau khi xét nghiệm nước nhiễm lượng asen cao vượt ngưỡng 6 lần, cư dân phản đối thì ngày 18/5/2018, ban quản lý có thông báo thay đổi nhà cung cấp nước, ngừng hợp đồng với nhà máy nước Nhất Phát và ký hợp đồng với Nhà máy nước Hà Đông, nhưng đến nay nhân viên công ty Nhất Phát vẫn thu tiền nước, cư dân yêu cầu Nhà máy nước Thanh Hà cung cấp hóa đơn thanh toán nước với Nhà máy nước Hà Đông thì trả lời chưa có hóa đơn. Bởi vậy cư dân vẫn chưa rõ công ty nào cấp nước?
Sau khi phát hiện bể nước quá bẩn, người dân cho biết đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai là bà Lê Thị Hà để yêu cầu cán bộ đến ghi nhận hiện trường lập biên bản, thế nhưng không nhận được sự giúp đỡ.
Quá bức xúc, sáng ngày 11/7, rất nhiều cư dân tại khu đô thị này đã nghỉ việc ở cơ quan để đấu tranh đòi nước sạch. Anh Tú, một cư dân tại đây cho biết: “Nhiều cư dân đã lên trụ sở UBND huyện Thanh Oai, yêu cầu huyện can thiệp và có câu trả lời đến cư dân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không gặp được lãnh đạo huyện, chỉ có ban tiếp dân đến ghi nhận ý kiến và cho biết sẽ trình lãnh đạo huyện sắp xếp giải quyết”.
Sau đó, cư dân lại tiếp tục đến văn phòng Chi nhánh dịch vụ Nhà ở Thanh Hà để yêu cầu đối thoại với CĐT và ban quản lý dự án. Thế nhưng, người dân cho biết CĐT chỉ cho 5 cư dân vào phòng họp. Hơn nữa, trong lúc đối thoại, đại diện CĐT “trả lời vòng vo, “đá bóng” trách nhiệm” nên sự việc đến nay vẫn không được giải quyết.
Được biết, khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 khởi công xây dựng từ cuối năm 2008. Trước đó, tháng 4/2016, Tập đoàn Mường Thanh đã chính thức kí hợp đồng mua lại 95% cổ phần của công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 – CĐT dự án đô thị Thanh Hà Cienco 5 và qua đó giành quyền sở hữu chi phối gần như tuyệt đối với dự án khu đô thị Thanh Hà.
Vào tháng 4/2018, Khu đô thị Thanh Hà được lọt top "Nhà ở xã hội có chất lượng tốt nhất" trong Lễ trao giải thưởng BĐS Quốc gia năm 2018 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức. Thanh Hà Cienco5 - Dự án nhà ở xã hội có chất lượng tốt, thế nhưng cư dân tại đây không biết đến bao giờ mới được hưởng nguồn nước sạch để đảm bảo sức khoẻ và sớm ổn định cuộc sống. Và cũng chưa biết đến bao giờ, những quyền lợi chính đáng của người dân mới được đáp ứng.
Trúc Mai