Chung cư vi phạm PCCC

Rất nhiều chung cư đang trong tình trạng báo động về PCCC, sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc, mới thấy lực lượng chức năng tập trung ra soát, xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong khi đó, người dân sống tại nhiều chung cư đang nơm nớp lo sợ xảy ra cháy nổ.

Còn nhớ, sau vụ cháy tại quán karaoke, đường Trần Thái Tông (Hà Nội) làm 13 người chết vào chiều 2/11/2016, Cảnh sát PCCC mới tiến hành tổng kiểm tra 1.204 quán karaoke trên địa bàn Hà Nội để rà soát, khắc phục những sơ hở thiếu sót.

Hay như mới đây, sau khi kiểm tra hiện trường vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP. HCM), Bộ Công an cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại công tác PCCC của tất cả các chung cư cao tầng trên cả nước.

PCCC Tại nhiều chung cư: Đụng đâu, sai đó! - Hình 1

Chung cư Carina Plaza Sài Gòn bốc cháy vào đêm 22 rạng sáng 23/3

Vừa qua, TP. Hà Nội đưa ra danh sách 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng vi phạm các quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.

Trong đó, có 8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư: Chung cư mini Bồ Đề, ngõ 193 Bồ Đề; khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc; tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện; tòa nhà chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung; tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông; nhà chung cư 30 tầng BMM, khu đô thị Xa La; trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 29 Lạc Trung; tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102, Trường Chinh.

Đáng nói, trong danh sách 17 tòa chung cư được nêu tên có đến 5 tòa chung cư thuộc DN tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên: Tòa nhà CT1 Xa La; tòa nhà CT2 Xa La; tòa nhà CT3 Xa La; chung cư CT4; trung tâm thương mại và căn hộ chung cư Xa La.

Ngoài những tòa chung cư trên, một số chung cư tại Hà Nội cư dân cũng đã kêu cứu đồng thời phản ánh về việc PCCC tại tòa nhà gặp trục trặc.

Nhiều cư dân sinh sống tại tòa chung cư Tràng An Complex (số 1, Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra hỏa hoạn vào hồi 20h26 ngày 20/3/2018 ở căn hộ 904, thuộc tòa nhà CT2B.

Theo người dân, khi xảy ra hỏa hoạn và đến thời điểm đám cháy được dập tắt hoàn toàn (khoảng 5 phút) nhưng chuông báo cháy không hề hoạt động. Nhiều người chỉ biết tòa chung cư mình có xảy ra hỏa hoạn qua facebook! Cũng theo một số cư dân tại đây, sự việc trên khiến cư dân hoang mang và đặt câu hỏi về hệ thống PCCC tại tòa chung cư này.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 10h ngày 25/3 tại tòa chung cư CT5 Văn Khê (Hà Đông - Hà Nội) đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại căn hộ trên tầng 21. Do đám cháy ở trên căn hộ cao tầng nên lực lượng PCCC phải tiếp cận bằng xe thang chuyên dụng, ít lâu sau đám cháy được dập tắt hoàn toàn và không có thương vong. Tuy nhiên, rất nhiều cư dân tại tòa chung cư này vô cùng bất bình khi đám cháy xảy ra mà hệ thống PCCC không hoạt động. Nhiều người chỉ biết có cháy khi người thân thông báo qua điện thoại, thậm chí một số người chỉ biết khi còi xe cứu hỏa rú inh ỏi.

Chiều cùng ngày, khoảng 16h30 ngày 25/3, những cư dân sống tại tòa nhà 19T6 KĐT Mậu Lương - Kiến Hưng, phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) hốt hoảng khi phát hiện ngọn lửa bốc tại tầng 9 của tòa nhà. Theo một số nhân chứng cho biết, ngọn lửa phát ra từ thùng đựng giấy sau đó cháy lan ra rèm cửa. Khi xảy ra cháy, trong nhà có 2 trẻ nhỏ. Sau khi nhận được tin báo của người dân, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã điều 3 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Rất may, khi lực lượng cứu hỏa đến thì đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Cũng trong chiều ngày 25/3 vừa qua, tại tòa nhà chung cư Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh - Đống Đa - Hà Nội), do Kinh Đô TCI Group làm chủ đầu tư (CĐT), hàng trăm cư dân đã cùng treo băng rôn, biểu ngữ phản đối CĐT yêu cầu nghiệm thu PCCC. Theo phản ánh của cư dân, hệ thống PCCC của tòa nhà có nhiều vấn đề, nhất là hệ thống ngăn cháy lan, cửa chống cháy, hệ thống tụ khói... dẫn đến Cảnh sát PCCC chưa cấp chứng nhận nghiệm thu PCCC. Dù chưa đủ điều kiện an toàn, nhưng CĐT vẫn bàn giao nhà cho người dân vào ở.

Chủ đầu tư “nhờn thuốc”

Mặc dù đã được Cảnh sát PCCC đưa vào danh sách cảnh báo không đạt tiêu chuẩn về PCCC, nhưng dường nhưng nhiều chủ đầu tư các nhà chung cư vẫn phớt lờ.

Nhiều chủ đầu tư không thực hiện các yêu cầu về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, thiết kế thang bộ thoát nạn, hệ thống chống tụ khói công trình…

Nhiều vụ cháy tại các chung cư, dù với bất kỳ nguyên nhân gì, thực tế là chuông báo cháy đã không kêu và hệ thống dập lửa tự động đã không hoạt động. Vấn đề đặt ra là, ai đã cấp nghiệm thu cho hệ thống này? Ai chịu trách nhiệm về việc vận hành của nó? Vì theo quy định, phải kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần.

Một luật sư cho rằng, khi xảy ra thương vong, đây là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cần phải truy tố những người có trách nhiệm.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, cùng với việc xử phạt hành chính theo luật quy định, UBND TP. Hà Nội và Cảnh sát PCCC đã mời các chủ đầu tư lên để làm việc và yêu cầu cam kết tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trước khi khắc phục và được nghiệm thu theo quy định, các chung cư này đã đưa người dân vào ở, gây khó khăn cho công tác quản lý PCCC.

“Chúng tôi đã xử phạt với mức cao nhất đến 120 triệu đồng, dù vậy vẫn chưa đủ sức răn đe các chủ đầu tư này. UBND TP cũng đã có chỉ đạo, nếu các công trình này nếu không nghiệm thu trước khi đưa vào hoạt động, sẽ có văn bản yêu cầu cắt điện, cắt nước”, Đại tá Sơn cho hay.

Theo Đại tá Sơn, ở các chung cư hiện nay, chủ đầu tư và người dân chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

“Khi mới được nghiệm thu, hệ thống PCCC hoạt động rất tốt, nhưng trong quá trình hoạt động, CĐT không dưỡng, bảo trì. Thứ nữa, việc công tác tổ chức PCCC tại chỗ chưa tốt, chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra những yếu tố, điều kiện, nguy cơ gây cháy nổ. Nếu xảy ra cháy nổ sẽ rất nguy hiểm”, Đại tá Sơn nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, có gần 800 công trình nhà chung cư cao tầng. Với tốc độ xây dựng các tòa nhà chung cư ngày càng lớn, rõ ràng việc đảm bảo PCCC là rất quan trọng…

Phải mua bảo hiểm cháy nổ!

Tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các DN kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các DN kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thoả thuận.

Nghị định cũng nêu rõ, DN bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật. Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC…

Về mức phí bảo hiểm, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại nghị định.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì DN bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật. Điều này dựa trên cơ sở được DN nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Theo nghị định, số tiền bồi thường bảo hiểm với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm theo quy định. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ các quy định dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.

Phía bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường với những khoản tiền phát sinh, tăng thêm do hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật hình sự

Khánh Yên – Anh Đức