Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người người dân ở nông thôn
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP huyện Quảng Xương (Thanh Hoá)

Tại tỉnh Thanh Hoá, trong 2 năm (2021-2022) và 6 tháng đầu năm 2023, có thêm 4 huyện, 42 xã, 148 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 xã và 284 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 282 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Luỹ đế đến nay, có 12 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 359 xã và 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 346 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Có 350 sản phẩm OCOP được công nhận. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,75 tiêu chí NTM/xã; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 là 6,08%, giảm 2,14% so với năm 2021. Toàn tỉnh cũng đã huy động được hơn 18.700 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí NTM, xây dựng các sản phẩm OCOP. Giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 7 huyện, 58 xã, 176 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM.

Nếu tính số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Thanh Hóa chiếm hơn 50% toàn khu vực Bắc Trung bộ với 80/134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xét về số huyện đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa cũng chiếm đến 40% với 12/30 huyện đạt chuẩn NTM toàn vùng Bắc Trung bộ.

Kết quả trên là sự nỗ lực của Thanh Hoá trong công tác huy động nguồn lực cho việc xây dựng NTM. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 hơn 18.795 tỷ đồng.

Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác thông tin truyền thông luôn được đẩy mạnh liên tục ở mọi cấp, ngành, lĩnh vực. Chỉ tính riêng mình hoạt động của hội nông dân trong thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và triển khai các hoạt động thiết thực để thực hiện chương trình.

Cụ thể, địa phương đã xây dựng 765 tổ tự quản về bảo vệ môi trường; hướng dẫn, xây dựng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón tại 120 xã, thị trấn; triển khai 2 tiểu dự án của Trung ương Hội về “thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư ven biển” và “thu gom phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón”; tổ chức, tập huấn về kinh tế hợp tác, nông nghiệp tuần hoàn cho 520 hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 68 hợp tác xã và 430 tổ hợp tác; phối hợp để hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân được vay vốn, tập huấn chuyển giao KHKT, cung ứng vật tư chậm trả để phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống của hội viên, nông dân...

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được quan tâm, phát huy vai trò của cộng đồng, tổ giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn trong thực hiện chính sách, các dự án của chương trình theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng", để các chính sách, dự án triển khai đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ căn cơ của Thanh Hóa là việc xây dựng NTM ngoài việc tiếp tục huy động người dân tham gia vào xây dựng NTM là việc chuyển đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân sang sản xuất nông nghiệp gắn liền với liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. 

OCOP được coi là nhiệm vụ mũi nhọn cho phát triển kinh tế vùng nông thôn. Trong đó bao gồm chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. 

Trong giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP được công nhận cho 223 chủ thể OCOP trên địa bàn 193 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%). Dự kiến hết năm 2023, Thanh Hóa sẽ nâng con số sản phẩm OCOP lên 407.

Nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 143 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Thanh Hóa cũng đã hình thành 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, có một số sản phẩm đã phát triển trên thị trường trong và ngoài nước và thành lập Hợp tác xã OCOP Thanh Hóa - là một trong số ít địa phương trong cả nước đã thành lập được mô hình hoạt động này. Mục tiêu từ nay đến 2025, Thanh Hóa phấn đấu phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao.

Việc đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn đã tạo việc làm mới cho 58.950 lao động trong năm 2022. 

Với những nỗ lực không ngừng, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 17 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 88% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 410 xã), 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương ứng 165 xã), 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng 41 xã). 559 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao trở lên, 5 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người người dân ở nông thôn.

PV (T/h)