Sáng nay, Mùng 7 tháng Giêng Âm lịch (11/2/2019) Lễ hội Tịch Điền long trọng tổ chức tại cánh đồng Đọi, huyện Duy Tiên mang ý nghĩa động thổ nền nông nghiệp trong năm mới và cầu mùa màng bội thu.
Sau màn múa trống khai hội cùng màn múa rồng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã lên dâng hương linh vị Vua Lê Đại Hành và Thần Nông.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về dâng hương, tham dự lễ hội
Một lão nông tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau là các cô gái đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Năm nay, cụ ông Ngụy Văn Tuyên (74 tuổi, thôn Đọi Tín), bô lão trong làng vào vai Vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày.
Phát biểu trong ngày hội, Phó Thủ tướng đánh giá, “trong hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước thì lễ hội Tịch điền được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng".
Phó Thủ tướng xuống ruộng đi cày trên cánh đồng Đọi Sơn khai xuân động thổ, khởi đầu mùa vụ
Đánh giá cao việc phục dựng, duy trì, tổ chức Lễ hội Tịch điền hàng năm của tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quản bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, vừa động viên, khích lệ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ vui mừng khi nền nông nghiệp của Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển, từ chỗ canh tác, nuôi trồng truyền thống, đến nay nhiều ngành hàng, sản phẩm đã nâng lên thành “nghệ thuật” theo hướng hiện đại. Năm 2018, tăng trưởng toàn ngành đạt trên 3,7%, cao nhất trong 7 năm qua, không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa Việt Nam trở thành 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Cả nước đã có trên 42% số xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cũng như mọi năm, một lão nông “hóa trang” vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông rồi xuống ruộng dắt trâu đi cày, khởi đầu mùa vụ, mang đến lúa gạo, nhà nhà no đủ; theo sau vua là đoàn gieo hạt giống gồm ngô, lạc và thóc
Trước đó một ngày, Hội thi Vẽ trang trí trâu đã diễn ra tại Đọi Sơn, để lựa chọn nhưng chú trâu đẹp nhất sẽ được xuống đồng làm nghi thức cày đầu năm mới trong hôm nay.
Sau hồi trống khai hội, các họa sỹ về khu sân bãi nhận trâu và bắt đầu thể hiện ý tưởng sáng tạo nghệ thuật trên mình trâu. Mỗi họa sỹ có một góc nhìn, một cách thể hiện khác nhau. Những chú trâu được họa sỹ trang trí đẹp mắt, có tính sáng tạo, giành giải thưởng sẽ được tham gia nghi thức xuống đồng cày Tịch điền vào ngày 11/2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Thi trang trí trâu cũng là một hoạt động sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những con trâu tham gia lễ tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý...
Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã tạo nên nét văn hóa riêng, độc đáo, khẳng định nét đặc sắc của lễ hội của vùng đất Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; tạo được ấn tượng cho du khách, qua đó góp phần khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng.
Theo tương truyền, lễ Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân xuống đồng cày ruộng vào đầu Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Lần đầu vua cùng bá quan văn võ cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Từ đó, những thửa ruộng này còn được gọi là "kim ngân điền," người dân Hà Nam thì gọi là ruộng vàng, ruộng bạc.
Hàng năm cứ vào đầu Xuân năm mới, các triều đại nối tiếp nhau đều long trọng cử hành nghi lễ Tịch điền để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Những chú trâu đạt giải sẽ tham gia nghi thức xuống đồng cày Tịch điền vào ngày 11/2 (tức mồng 7 tháng Giêng).
Ngọc Linh