Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đang đứng bên bờ vực phá sản khi nhận được Thông báo số 518-TB/TU về Kết luận của Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy với nội dung "nếu doanh nghiệp vẫn chưa khởi công phần du lịch, dịch vụ thì tạm thời dừng dự án, giữ nguyên hiện trạng để thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định".
Tan hoang khu nuôi tôm công nghệ cao trị giá 200 tỷ
Chúng tôi đến khu nuôi tôm công nghệ cao nằm trong Dự dán Khu du lịch sinh thái Bình Minh của Công ty Đức Thắng vào những ngày giữa tháng 8. Cả một vùng hồ ao rộng lớn nhưng vắng lặng. Những dãy nhà kho "cửa đóng then cài" không một bóng người. Nhìn cảnh tượng này, ít ai hình dung nổi, chỉ nửa năm trước, đây là một trong những khu nuôi tôm lớn của tỉnh Quảng Bình.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng ngay cạnh bờ đầm, ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Công ty, không giấu nổi sự lo lắng: “Hơn 8 năm đầu tư xây dựng và hoạt động, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Lúc thì dịch bệnh, lúc thì thiên tai, rồi tới sự cố Fomusa… khiến doanh nghiệp thua lỗ tới hàng trăm tỷ đồng. Nhưng tất cả những điều đó đều không thể so sánh với khó khăn hiện tại, khi mà doanh nghiệp chúng tôi đang có nguy cơ bị thu hồi dự án”.
Theo những gì mà ông Sỹ chia sẻ thì, năm 2010, doanh nghiệp Đức Thắng được UBND tỉnh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Bình Minh tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, trên diện tích là 45 ha, thời hạn thuê đất là 49 năm. Dự án, bao gồm khu khách sạn, khu nhà hàng, khu dịch vụ, khu biểu diễn nghệ thuật… và một khu nuôi trồng thủy sản với diện tích là 6 ha.
Việc đầu tư và khai thác toàn bộ Dự án Khu du lịch sinh thái Bình Minh gặp nhiều khó khăn, do đường vào độc đạo, phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ thực hiện tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đường rộng 60 m) mới đang hoàn thành giai đoạn 1 (chừng 4 km) và chưa biết tới lúc nào mới thông toàn tuyến. Hệ thống điện cao áp, nước sinh hoạt cũng chưa có.
Không thể ngồi chờ dự án hạ tầng chưa biết đến khi nào mới hoàn thiện, để tự tháo gỡ khó khăn trước mắt và có điều kiện trả tiền thuê đất hàng năm lên tới cả tỷ đồng, Công ty Đức Thắng đã phải xin phép điều chỉnh quy mô dự án nuôi trồng thủy sản từ 6 ha lên 35 ha và tạm dừng việc đầu tư khu du lịch và dịch vụ của dự án, cho đến khi thông toàn tuyến đường Võ Nguyên Giáp.
Tại Công văn số 822/VPUBND, ngày 8/5/2015, UBND tỉnh Quảng Bình đã “đồng ý chủ trương cho Công ty Đức Thắng tạm dừng triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái Bình Minh, ở các hạng mục du lịch, dịch vụ tại xã Bảo Ninh, do khu vực dự án chưa đầu tư được cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh”.
Với những kinh nghiệm của một doanh nghiệp hàng đầu về nuôi tôm chân trắng, Công ty Đức Thắng đã dốc sức đầu tư cho dự án nuôi tôm trên cát công nghệ cao, trên diện tích 35 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng. Đây là công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính - được chuyển giao từ Mỹ. Với công nghệ này, tôm nuôi được bố trí hoàn toàn trong nhà kính (công trình có khả năng chống chọi với bão cấp 12, giật trên cấp 15) và là phương pháp nuôi tôm hiện đại nhất hiện nay, hoàn toàn khép kín; có thể hạn chế tác động xấu của môi trường, dễ kiểm soát, chăm sóc quản lý thuận tiện và cho năng suất cao.
Sau 2 năm đầu tư, kết quả kinh doanh của công ty là khả quan với sản lượng tôm nuôi đạt 400 - 450 tấn/năm; doanh thu 40 - 50 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 70 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập cao, ổn định. Công ty đã có tiền để trả nợ ngân hàng, trả nợ được tiền thuế, đóng BHXH…
Đặc biệt, với khu nuôi tôm công nghệ cao này, Đức Thắng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” theo Quyết định số 2861/QĐ-BNN-KHCN, ngày 3/7/2017.
Ngày 7/6/2017, Công ty Đức Thắng lại có tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết Khu du lịch sinh thái Bình Minh lần 2 đến năm 2025, dựa theo hiện trạng đã thực hiện.
Ngày 5/10/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định số 3517/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Bình Minh. Theo đó, phê duyệt “Quy hoạch chi tiết điều chỉnh cơ cấu chức năng sử dụng đất - khu đất của Công ty CP Đức Thắng (theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1882/QĐ-UBND ngày 6/8/2010). Trong đó, bố trí các khu chức năng chính như khu ao nuôi tôm, khu khách sạn nghỉ dưỡng để tổ chức sản xuất nuôi trồng, khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng với diện tích và quy mô phù hợp đến năm 2025. Sau năm 2025, khi hạ tầng khu vực được đầu tư, Công ty CP Đức Thắng có trách nhiệm chuyển đổi chức năng sử dụng đất khu vực nuôi trồng thủy sản theo định hướng quy hoạch chung của TP. Đồng Hới và quy hoạch phân khu phía Nam xã Bảo Ninh…”.
Tại quyết định, cũng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành một số điều chỉnh về báo cáo tác động môi trường, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thiết kế và xin cấp phép xây dựng các hạng mục phần du lịch.
Công ty Đức Thắng đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tất cả những thủ tục liên quan tới điều chỉnh quy hoạch của dự án đã không được phê duyệt do trước đó (ngày 18/8/2017), UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn số 1507, thông báo thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu nhà đầu tư có phương án thực hiện các hạng mục du lịch, dịch vụ.
Vậy là, từ tháng 9/2017 tới nay, toàn bộ dự án nuôi tôm trị giá 200 tỷ đồng tan hoang vì hầu như không hoạt động, để chờ hoàn tất các thủ tục liên quan. Một nửa số lao động đã phải cho nghỉ việc vì công ty không đủ khả năng trả lương, trong khi đó, số tiền nợ ngân hàng, tiền thuế đất vẫn “lơ lửng trên đầu” doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc doanh nghiệp
Doanh nghiệp đến bờ vực phá sản
Sau Thông báo Kết luận số 1507, doanh nghiệp Đức Thắng tiếp tục nhận được Thông báo số 518-TB/TU về Kết luận của Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy với nội dung “nếu doanh nghiệp vẫn chưa khởi công phần du lịch, dịch vụ thì tạm thời dừng dự án, giữ nguyên hiện trạng để thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định”.
Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp Đức Thắng chỉ còn biết gửi văn bản cầu cứu tới các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, đề nghị được phê duyệt những thủ tục liên quan tới điều chỉnh quy hoạch, hy vọng có thể tiếp tục dự án, để có tiền trả lương cho người lao động và đóng tiền thuế đất, cũng như trả nợ ngân hàng, khỏi lâm vào tình trạng phá sản.
Nhưng đã hơn nửa năm trôi qua, hàng chục văn bản đã được gửi đi, mà mỗi ngày trôi qua là Đức Thắng lại đến gần hơn với “cái kết buồn” (!).
Ông Sỹ chia sẻ: “Rất nhiều đoàn thanh tra liên ngành đã đến làm việc, trực tiếp nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Hầu hết các kết luận thanh tra đều nhất trí đề xuất tạm dừng đầu tư khu du lịch, dịch vụ của dự án, cho phép doanh nghiệp được đầu tư vào nuôi tôm để lấy ngắn nuôi dài, có điều kiện để duy trì hoạt động hiện tại, cho tới khi hoàn chỉnh hạ tầng. UBND tỉnh cũng tạo điều kiện khi cho phép chúng tôi điều chỉnh quy hoạch dự án.
Vậy mà lại có thông báo yêu cầu chúng tôi phải đầu tư vào du lịch, dịch vụ, nếu không sẽ thu hồi dự án. Lúc này, nếu có đầu tư xây dựng du lịch, dịch vụ ngay thì không riêng gì chúng tôi, mà bất cứ sở, ban, ngành nào cũng có thể nhìn thấy trước nguy cơ không thể khai thác vận hành được. Và như vậy, đồng nghĩa chúng tôi cũng phá sản. Như thế, có khác nào dồn chúng tôi vào chân tường?”.
Phóng viên đã hẹn lịch làm việc với Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình để nắm thông tin. Theo đại diện Sở thì họ biết rõ những khó khăn của doanh nghiệp Đức Thắng và cũng nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND tỉnh tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thì doanh nghiệp vẫn phải làm theo đúng cam kết. Và với những gì đã và đang diễn ra - có lẽ doanh nghiệp Đức Thắng, khó tránh khỏi nguy cơ phá sản?
Tâm An