Quảng Bình ra Công văn nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Quảng Bình ra công văn nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)

Theo công văn này, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, cũng như chủ đầu tư và các ban quản lý dự án phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, cùng với Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 và các thông tư hướng dẫn có liên quan.

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, và rà soát quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu để kịp thời phát hiện và khắc phục thiếu sót (nếu có).

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra sai phạm hoặc không kịp thời khắc phục thiếu sót.

Đối với các chủ đầu tư và bên mời thầu, UBND tỉnh yêu cầu: Cập nhật thường xuyên và nắm vững các văn bản pháp luật hiện hành về đấu thầu để thực hiện đúng quy định;

Đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền của mình;

Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong công tác đấu thầu, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.

Đối với các đơn vị thẩm định, công tác thẩm định phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, trung thực, khách quan và công bằng. Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các nội dung liên quan phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Báo cáo thẩm định cần đảm bảo đúng biểu mẫu, đầy đủ nội dung, có nhận xét, đánh giá và kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật. Cán bộ thẩm định phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật đấu thầu và các lĩnh vực liên quan, có nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo tuân thủ quy định.

Các cơ quan và đơn vị quản lý công tác đấu thầu cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động lựa chọn nhà thầu, đặc biệt với các gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh về tiêu cực hoặc vi phạm, gói thầu có ít nhà thầu tham gia và tỷ lệ tiết kiệm thấp, và trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại cùng một địa phương hoặc chủ đầu tư trong thời gian dài. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Thanh tra tỉnh chú trọng theo dõi việc khắc phục tồn tại sau các cuộc thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra và kiểm tra. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện kết luận hoặc tiếp tục vi phạm.

Lê Quyết (t/h)