Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 566 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 336 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao (3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 87 sản phẩm đạt 4 sao và có 246 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2022 có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương, vượt 15 đơn vị so với chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, với 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, tỉnh tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất đối với cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng từ tám đến 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc và xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Trong đó, các xã miền núi của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.
Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi chưa được đầu tư đồng bộ. Song, với quyết tâm nỗ lực chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.
Việc đẩy mạnh các hoạt động trong chuyển đổi số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm cực kỳ cần thiết. Không chỉ giúp người dân được cập nhật, tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, mà chuyển đổi số còn giúp quảng bá sản phẩm của mình đi khắp mọi miền đất nước.
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại là xu hướng và yêu cầu cần thiết trong bối cảnh phát triển của thị trường, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ hiện nay, thời kỳ các nền tảng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram... phát triển mạnh mẽ.
PV