Tính đến cuối tháng 7/2023, tỉnh Thanh Hóa đã có 357 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 54 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 298 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học - công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc... để sản phẩm dần xây dựng được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp đã phối hợp với những đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc...).
Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, Bùi Công Anh, cho biết: Việc xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài, nhằm tạo lòng tin cho khách hàng và “định vị” trên thị trường. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục kiểm tra, giám sát đối với chủ thể có sản phẩm đã được công nhận.
Đồng thời, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng; nỗ lực xây dựng các thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa để đông đảo người dân trong và ngoài nước nhận diện, tiêu thụ.
An Dương