Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 6 bãi đổ thải mỏ lớn tập trung tại TP. Cẩm Phả và TP. Hạ Long với độ cao trung bình từ 200 đến 400m. Trong quá trình khai thác than, những bãi thải mỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường cũng như đời sống, vào mùa khô bụi phát tán xuống các khu dân cư, còn vào mùa mưa bão tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất lớn.

Để khắc phục tình trạng này, Tập đoàn Công nghiệp Than -  Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cho các dự án của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời bàn giao quản lý và khai thác đất đá thải mỏ cho công ty Chế biến than Quảng Ninh.

Từ khi khởi động khai thác cho đến nay, Công ty Chế biến than Quảng Ninh đã cung cấp cho nhà thầu thi công dự án cầu Cửa Lục 3 hơn 10.000m³ đất đá thải. Dự kiến đến hết năm 2022, đơn vị sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 10.000m³ đất đá thải cho dự án cầu Cửa Lục 3.

Tận dụng bãi thải mỏ làm vật liệu san lấp là giải pháp hiệu quả về môi trường cho ngành công nghiệp than tại Quảng NInh
Tận dụng bãi thải mỏ làm vật liệu san lấp là giải pháp hiệu quả về môi trường cho ngành công nghiệp than tại Quảng Ninh. (Ảnh: Internet)

Ông Đinh Nguyễn Tú Anh, Phó Giám Công ty Chế biến than Quảng Ninh cho biết, hiện nay Công ty Chế biến than Quảng Ninh đã thành lập Phân xưởng Khai thác và Kinh doanh đất đá thải mỏ gồm 10 cán bộ, công nhân viên. Việc thành lập phân xưởng này là bước chuẩn bị sẵn sàng nhân lực phục vụ khai thác hiệu quả đất đá thải mỏ cung cấp cho các đối tác, khách hàng trong thời gian tới.

Việc khai thác, sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ là hướng đi phù hợp với mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong chiến lược tăng trưởng “xanh” của toàn tỉnh. Đây là hướng phát triển kinh tế tuần hoàn vừa đáp ứng được nhu cầu về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các địa phương có nhiều mỏ khai thác than, như Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục bám sát những chủ trương, định hướng của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan; phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc để đẩy nhanh tiến độ tham mưu, giải quyết thủ tục khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ đúng quy định, từng bước thay thế cho vật liệu san lấp truyền thống; tăng cường giám sát việc khai thác, vận chuyển và sử dụng đảm bảo tránh thất thoát tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng đúng mục đích đối với các dự án trên địa bàn tỉnh.

Thảo Nguyễn (t/h)