Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể: Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, trong đó có 39 cảng cá loại 1 còn lại là các cảng cá loại 2, loại 3. Vùng biển miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) sẽ là nơi tập trung nhiều cảng cá nhất cả nước, với 82 cảng; vùng biển vịnh Bắc Bộ 45 cảng, vùng biển Đông Nam Bộ 33 cảng cá và vùng biển Tây Nam Bộ 13 cảng cá.
Cả nước cũng sẽ có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 30 khu cấp vùng và 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng trên 90.000 tàu cá. Hơn một nửa khu neo đậu tránh trú bão sẽ tập trung ở vùng biển miền Trung. Đến năm 2050, dự kiến nâng tổng số cảng cá trên toàn quốc lên 180.
Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ các cảng cá tại các trung tâm nghề cá lớn; các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là gần 58.000 tỷ đồng.
Sau khi thảo luận góp ý một số nội dung, Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu với kết quả 100% ý kiến nhất trí thông qua Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các cảng cá sẽ được chú ý tới vấn đề môi trường và phát triển tích hợp: “Thủ tướng Chính phủ đã ký đề án về môi trường trong thủy sản. Hiện nay, ngành thủy sản cùng với các đơn vị đang làm thí điểm rất nhiều ở các cảng cá và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Môi trường lại là một điểm trừ thì có thể triển khai mạnh vấn đề này. Về gắn với du lịch, khi Bộ Nông nghiệp nói về tích hợp đa giá trị, làm cái này rất nhiều.
Hiện nay, Đà Nẵng thuê tư vấn, cùng với cảng cá Thọ Quang cũng đang xây dựng các mô hình thí điểm để gắn với du lịch. Rất mong muốn muốn là nó sạch sẽ, đầu tư bài bản, đẹp và có những cơ sở người ta đến vừa ngắm, vừa mua hàng, vừa được thưởng thức”.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh một số nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng quy hoạch, trước hết là dự thảo Quy hoạch phải phù hợp với các quy hoạch đang có hiệu lực; những nội dung chưa phù hợp hoặc có xung đột thì phải đề xuất điều chỉnh.
Trong đó, quy hoạch vừa phải giải quyết những vấn đề thuộc về hiện trạng, vừa phải tính đến những vấn đề thuộc về xu thế, định hướng cho tương lai như: chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu hay góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Phải giải quyết những vấn đề thuộc về hiện trạng, tức là phải vừa đảm bảo được theo định hướng dẫn dắt, nhưng vẫn phải có độ linh hoạt nhất định, để các địa phương, đơn vị có thể ứng xử trọn vẹn với quy hoạch này.
Một nguyên tắc là phải khắc phục được những tồn tại cũ, của các quy hoạch cũ mà chúng ta đã làm. Phải có sự đánh giá tác động qua lại, đặc biệt là sự liên kết của các hệ thống cảng cá này với nhau, nó phải phù hợp và đồng bộ với các loại hạ tầng khác”.
Hải Dương (t/h)